Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm miền Trung trong đợt thiên tai lịch sử

(VOH) - Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã liên tục có các chỉ đạo về công tác ứng phó thiên tai, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung

Các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ người dân; các lực lượng chức năng, đặc biệt là quân đội, đã huy động tối đa lực lượng cho nhiệm vụ này.

Lực lượng vũ trang giúp người dân sơ tán khỏi nơi nguy hiểm.

Hơn một tháng qua, các tỉnh miền Trung đã hứng chịu đợt thiên tai lịch sử, kéo dài nhiều ngày, diễn ra trên diện rộng với nhiều loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất)…

Lũ lớn xuất hiện trên hàng chục tuyến sông chính, trong đó có 5 tuyến sông, lũ đã vượt mức lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng. Thiên tai ảnh hưởng tới tất cả các tuyến từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.

Riêng tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, thời điểm mưa lũ ngập sâu nhất ghi nhận tại địa phương là gần 5m, vượt các đỉnh lũ trước đây, khiến tất cả các xã, thị trấn trên toàn huyện bị ngập, trong đó có khoảng 32.000 hộ ngập sâu từ 1m đến hơn 2m.

“Mưa đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày tại miền Trung đã gây lũ lớn vượt mức lịch sử ở nhiều nơi, ngập lụt sâu trên diện rộng, sạt lở đất, lũ quét, thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng của nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc động viên lực lượng vũ trang Quân khu 4, đơn vị có 10 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Trước tình hình trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương phòng, chống lụt, bão; khắc phục hậu quả; kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng mong đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái", "thương người như thể thương thân", hết lòng động viên, giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn, khó khăn, những người nghèo, hộ nghèo, để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã có Điện gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy; các Ban Đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các Đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và thăm hỏi nhân dân Quảng Trị. 

Với tinh thần hết sức mình, tập trung chỉ đạo các lực lượng triển khai trách nhiệm nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu những thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tiếp ban hành các Công điện về công tác ứng phó thiên tai, mưa bão và công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đích thân thị sát tình hình thiên tai và công tác ứng phó, cứu trợ người dân tại các địa điểm thiệt hại nặng nề.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn tại các tỉnh miền Trung, các điểm nóng như trạm kiểm lâm 67, thị sát hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, lãnh đạo các địa phương cũng liên tục có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát tình hình mưa lũ và công tác ứng phó tại tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Tĩnh.

Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 5.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. Thủ tướng cũng đồng ý hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn và an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của nhà nước.

Đặc biệt, lực lượng Quân đội, lực lượng vũ trang đã vào cuộc hết sức khẩn trương, quyết liệt với tinh thần không ngần ngại gian khổ, kể cả hy sinh khi phía trước là nhân dân đang gặp gian nguy. Liệt sĩ, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man đã nói trước khi lên đường, nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh.

Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ đã được huy động và chỉ trong thời gian chưa đầy 10 ngày, Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 4 và các gia đình đã vĩnh viễn mất đi 33 cán bộ, chiến sĩ ưu tú khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu trợ nhân dân.

Trước các vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3, trạm kiểm lâm 67 (Thừa Thiên Huế) và đoàn kinh tế - quốc phòng 337 (Quảng Trị), các lực lượng chức năng đã dồn lực lượng và phương tiện để tìm kiếm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh và những người bị nạn, theo tinh thần chạy đua từng giờ từng phút với thời tiết và thời gian. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên gọi điện thoại, chỉ đạo bằng mọi phương tiện, lực lượng, khẩn trương cứu người mất tích.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương đều đã vào cuộc theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm thực hiện tốt nhất công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ người dân. Các địa phương đã sơ tán, di dời khẩn cấp hàng chục nghìn người khỏi vùng nguy hiểm.

Cho đến nay, khi lũ đã bắt đầu rút, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai lực lượng giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, với phương châm đến khi nhân dân đã cơ bản ổn định lại cuộc sống mới rút quân.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, nhất là lực lượng vũ trang, các ngành chức năng nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, y tế, thông tin và truyền thông... Thủ tướng Chính phủ biểu dương các lực lượng chức năng đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân với rất nhiều những tấm gương dũng cảm, nhiều cán bộ, chiến sỹ, nhà báo đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Trong thời gian tới, lũ, bão có thể tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với các phương án sẵn sàng hơn, chủ động hơn theo phương châm “4 tại chỗ”; tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, ổn định đời sống người dân với tinh thần là không được để dân đói, không được để dân rét, không để dân không có chỗ ở; tích cực triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc, nhất là các tổ chức của thanh niên, phụ nữ các cấp, các địa phương, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách” quan tâm hỗ trợ cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung sớm vượt qua những khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống.