Đất tái định cư dự án sân bay Long Thành, không nên để diện tích quá rộng

(VOH) - Số liệu diện tích đất cần phải giải phóng, đền bù cho người dân dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nếu không chính xác có thể phát sinh chi phí lớn khi thực hiện.

Cuối buổi sáng 13/11,  các đại biểu đã thảo luận ở Hội trường về dự án thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cân nhắc, đất tái định cư rộng bao nhiêu thì phù hợp?

Đa số các ý kiến đều đồng ý với chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, nhưng vấn đề về hỗ trợ tái định cư, phương án bố trí và giải ngân vốn thực hiện qua từng giai đoạn của dự án này vẫn còn nhiều băn khoăn của các đại biểu.

Nhiều ý kiến băn khoăn về tính chính xác của số liệu diện tích đất ở cần phải giải phóng, đền bù. Trong tổng diện tích trên 5.000 ha thu hồi để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chỉ có gần 36 ha đất ở và cho rằng, nếu số liệu này không chính xác sẽ dẫn đến kinh phí bồi thường, hỗ trợ phát sinh lớn khi thực hiện.

Do vậy, các đại biểu đề nghị rà soát lại cơ cấu các loại đất thu hồi xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhất là đất ở.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre cho rằng, không nên để diện tích tái định cư quá rộng, bởi diện tích đó người dân chỉ dùng để ở chứ không thể sản xuất nông nghiệp hay làm vườn được.

Ông đề nghị, phải nghiên cứu làm sao đảm bảo tính hợp lý khi bàn giao. Quỹ đất ở đây sẽ rất có giá trị trong tương lai nên cần phải tính toán hợp lý, để đỡ ảnh hưởng tới việc tái định cư và bồi thường từ quỹ của dự án.

Về nguồn vốn để bố trí thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ sẽ bố trí 5.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, vấn đề được các đại biểu quan tâm là 18.000 tỷ đồng còn lại sẽ được cân đối từ nguồn nào?

Theo tờ trình của Chính phủ, 2 phương án được đưa ra lựa chọn, ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội khóa 14, tại kỳ họp thứ 2 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thông qua, Dự án cần tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn khoảng 18.000 tỷ đồng. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - TP. Hồ Chí Minh, phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM cho rằng, phương án 1 khả thi hơn bởi Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về đầu tư công, trong đó có bố trí 80.000 tỷ cho dự án quan trọng quốc gia kế hoạch 2016 - 2020 để thực hiện quyết định chủ trương đầu tư và múc vốn kế hoạch đầu tư công.

“Tôi nghĩ, ta nên lấy từ nguồn này bởi vì ta đã trích 55.000 tỷ cho việc xây dựng đường cao tốc Bắc Nam ở phía Đông” - Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho ý kiến.

Giải trình, tiếp thu 18 ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, tính cấp thiết của dự án là điều đã thấy, vì đây là dự án sẽ góp phần giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất, thúc đẩy phát triển liên vận ở khu vực, trong nước cũng như quốc tế.

Với quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều người dân, thời gian triển khai dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành kéo dài theo 03 giai đoạn, trong khi cần thực hiện giải phóng mặt bằng 1 lần để đảm bảo sớm ổn định người dân.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay đây là dự án trọng điểm quốc gia. Quy mô rất lớn, ảnh hưởng tới 5.000 hộ dân nên cần làm hết sức thận trọng. Sau khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ phê duyệt thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng các Bộ ngành phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc, đảm bảo công khai, minh bạch. 

Không phân bổ vốn cho dự án dưới 10.000 tỷ

Về ý kiến của đại biểu đề nghị phân bổ vốn từ nguồn cho các dự án quan trọng điểm quốc gia theo Nghị quyết 26 hoặc phân bổ nguồn vốn dự phòng đầu tư cho trung hạn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giải thích: Nghị quyết 26 của Quốc hội về kế hoạch bố trí, đầu tư công trung hạn quy định rõ, nguồn vốn 80.000 tỷ đồng phải đầu tư cho công trình trọng điểm quốc gia. Công trình trọng điểm quốc gia phải có giá trị trên 10.000 tỷ đồng.

Trong 2 phương án, Chính phủ đề nghị bố trí chia nhỏ 70.000 tỷ đồng; trong đó 55.000 tỷ đồng dành cho đường cao tốc, còn 15.000 tỷ đồng sẽ phân ra 7.000 tỷ đồng để làm tuyến đường sắt, 8.000 tỷ còn lại sẽ đầu tư 27 công trình quan trọng khác.

Tuy nhiên, Quốc hội nhận thấy đây là những công trình dưới 7.000 tỷ, không thuộc công trình trọng điểm quốc gia nên không thể sử dụng nguồn vốn công trung hạn để đầu tư cho các dự án đó. Riêng 27 công trình này cũng như dự án đầu tư tuyến đường sắt có thể lấy từ nguồn ngân sách dự phòng.