Dấu ấn nghĩa tình của một thành phố anh hùng

(VOH) - Những ngày tháng 4 lại về, cả đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang sống trong không khí tưng bừng của dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giữa những niềm vui, niềm tự hào về một thành phố từng là mảnh đất sản sinh ra những huyền thoại anh hùng trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc, chúng tôi và bao người dân thành phố này, không khỏi xúc động khi nhớ về những thế hệ cha anh đi trước, những người con ưu tú đã không tiếc thân mình hy sinh cho ngày hòa bình của đất nước. Tiếp nối truyền thống cao cả “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, 38 năm qua, Đảng bộ - chính quyền và nhân dân TP.HCM đã luôn xem công tác chăm lo cho người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là dấu ấn nghĩa tình và đầy tính nhân văn giữa sự phát triển từng ngày của thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân thăm và tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khuyên - Ảnh: TTO

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện Sở đang quản lý trên 230.000 đối tượng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công. Trong đó có trên 16.000 thương binh, 47.000 hồ sơ liệt sĩ với hơn 11.000 thân nhân liệt sĩ, hơn 2.000 hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng với 123 Mẹ còn sống đang được hưởng trợ cấp hằng tháng, cùng hơn 10.000 người có công với cách mạng. Nhằm cải thiện đời sống cho diện chính sách có công, thành phố đã phát động phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách và kêu gọi người dân cùng tham gia với Nhà nước. Hàng năm, thành phố đều có chỉ tiêu về xây dựng nhà tình nghĩa, coi đây là trách nhiệm và đạo lý, nhiều quận, huyện, sở, ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp và các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn thành phố đã đưa vào chương trình công tác, kế hoạch năm để thực hiện. Từ căn nhà tình nghĩa đầu tiên ra đời tại ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, tính đến nay, con số nhà tình nghĩa đã xây dựng là hơn 16.000 căn với tổng kinh phí trên 176 tỷ đồng, tặng 13.000 sổ vàng tình nghĩa với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố đã cấp hơn 3.000 hecta ruộng đất cho các gia đình có công để sản xuất, cấp dưới dạng cho thuê trên 12.000 căn nhà, sửa chữa chống dột trên 11.000 căn nhà với kinh phí 28 tỷ đồng.

Cùng với chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh còn thực hiện nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” khác. Thực hiện chủ trương đưa thương bệnh binh nặng về địa phương sinh sống, thành phố đã tạo mọi điều kiện thuận lợi như cấp đất, cấp nhà mặt tiền hoặc có vị trí gần nơi buôn bán cho trên 600 thương binh. Bên cạnh đó, chính quyền và các đoàn thể ở quận huyện còn bảo trợ, giúp đỡ họ bằng nhiều hình thức như trợ vốn làm ăn, tặng xe đạp, xe gắn máy, xe lăn, tổ chức đi tham quan, nghỉ mát. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lãnh đạo TP.HCM, các quận, huyện và các đơn vị hảo tâm đã dành sự quan tâm chăm sóc đặc biệt về vật chất lẫn tinh thần cho các Mẹ như phụng dưỡng, thăm hỏi thường xuyên các Mẹ. Không những thế, thành phố còn đầu tư xây dựng khu nhà khang trang để nuôi dưỡng chăm sóc thân nhân chủ yếu của liệt sĩ không nơi nương tựa. Bằng trách nhiệm và nghĩa cử tri ân sâu rộng, các quận huyện đều duy trì và thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” như tặng “Sổ vàng tình nghĩa”, kết nghĩa, đỡ đầu, chăm sóc cha mẹ liệt sĩ neo đơn, con em gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn. Hàng năm vào những ngày dịp lễ Tết như Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Tết Nguyên Đán… thành phố luôn dành hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng thăm hỏi, làm quà tặng cho các gia đình chính sách có công.

Song song đó, để chủ động trong việc chăm lo cho diện chính sách, không chỉ ở cấp thành phố, mà các quận, huyện, phường, xã đều đã xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Tính chung, đến nay nguồn quỹ này đã quyên góp được trên 112 tỷ đồng. Đó là kết quả của những hoạt động hỗ trợ hết sức thiết thực của Đảng bộ và chính quyền quận. Mỗi năm thông qua hoạt động rà soát hộ nghèo, các phường lên phương án hỗ trợ cụ thể, ưu tiên cho các gia đình chính sách có công như: cho vay vốn làm ăn, tạo việc làm cho con em gia đình có công với cách mạng, vận động các mạnh thường quân trợ cấp hằng tháng… Ngoài ra, mỗi dịp lễ Tết, các cán bộ quận cũng như phường đều đến tận nhà của những gia đình chính sách có công để trao những phần quà thiết thực cho cuộc sống hằng ngày của họ. Bà Trần Thị Trung - Trưởng phòng Lao động Xã hội quận 12 chia sẻ:

Anh Lâm Văn Bền, ngụ tại phường An Phú Đông, quận 12, có thân nhân là liệt sỹ cho biết, sau ngày giải phóng gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự quan tâm chu đáo của các cấp chính quyền, gia đình anh đã vượt khó, thoát nghèo bền vững. Từ số vốn trợ giúp làm ăn của quận, anh đã học nghề cắt tóc và mở tiệm tại nhà. Anh Lâm Văn Bền bày tỏ:

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, trong những năm gần đây, do tác động của khủng hoảng kinh tế, một bộ phận các gia đình chính sách đã gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngoài việc thực hiện các chế độ trợ cấp do Trung ương quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trợ cấp khó khăn cho đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố. Ông Trần Thanh Hoàng - Trưởng Phòng Chính sách có công thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết:

Chiến tranh đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ, nhưng những di chứng và bệnh tật hiểm nghèo do chiến tranh gây ra vẫn là nỗi đau của hàng triệu gia đình Việt Nam. Thực hiện chính sách cho người có công với cách mạng là một nhiệm vụ cao cả và đầy tính nhân văn, do đó những người thực hiện chính sách này cũng luôn ý thức về tinh thần trách nhiệm trong công việc, như chia sẻ của Đại tá Vũ Văn Chản - Trưởng Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 7:

Trong năm 2012, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ Thiện Tâm tiến hành khảo sát một số trường hợp nhà ở của diện chính sách đã xuống cấp nhưng do hoàn cảnh khó khăn không tự sửa chữa được. Tính đến tháng 2 năm 2013, đã hỗ trợ xây mới 38 căn, sửa chữa hơn 200 căn nhà ở cho diện chính sách với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng, giúp cho các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp Ủy - chính quyền thành phố, tin rằng công tác thực hiện chính sách đối với người có công của TP.HCM sẽ tiếp tục là điểm sáng đầy tự hào, xứng đáng với truyền thống thành phố anh hùng.