Đấu thầu thuốc tập trung quy mô lớn - Nguy cơ càng lớn

(VOH) - Tại buổi làm việc với lãnh đạo ngành Y tế vào ngày 6/3 và mới đây nhất là trong Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2016 do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã quyết liệt chỉ đạo: Sở Y tế TP phải để các bệnh viện trên địa bàn được tự chủ tối đa. Đặc biệt, cần xóa bỏ ngay cơ chế đấu thầu tập trung bộc lộ nhiều bất cập, cần để các bệnh viện tự đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị như trước đây.

Nghe nội dung phỏng vấn:

Vấn đề này - qua trao đổi với phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) - PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó GĐ Sở Y tế TP nhìn nhận: “Bất cập lớn nhất của đấu thầu tập trung là hạn chế quyền của người bác sĩ điều trị trong việc chỉ định thuốc cho bệnh nhân”.  

* VOH: Thực tế thời gian qua nhiều bệnh viện đã phàn nàn rất nhiều liên quan đến hình thức đấu thầu tập trung. Họ cho rằng trước sức ép cạnh tranh, sức ép chống quá tải, rồi phải nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút bệnh nhân, nhưng để làm được điều đó thì họ bị vướng rào cản rất nhiều mà một trong vấn đề đau đầu là đấu thầu thuốc và trang thiết bị tập trung. Bản thân họ không có quyền quyết định trong khi chính họ ở trong ngôi nhà của mình. Theo bà thì khi đấu thầu tập trung bên cạnh ưu điểm thì bất lợi của nó là gì thưa bà?

PGS.TS Phong Lan: Tôi nghĩ bất cập lớn nhất của đấu thầu tập trung là hạn chế quyền của người bác sĩ điều trị trong việc chỉ định thuốc cho bệnh nhân. Vì rõ ràng khi đấu thầu tập trung sẽ có một kết quả và số mặt hàng đấu thầu tập trung sẽ giảm đi rất nhiều, chưa kể mỗi bệnh viện có một đặc thù khác nhau, làm thế nào để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân nên dẫn đến bác sĩ sẽ không tin tưởng vào mặt hàng thuốc trúng thầu.

Thứ hai là khi gói thầu quá lớn, trên mặt bằng chung còn rất nhiều công ty manh mún cho nên khả năng cung ứng kịp tiến độ, kịp thời gian hay không. Không những với thuốc mà với trang thiết bị mấy năm trời cũng không mua được cái gì, dẫn đến bệnh viện không mua được loại mới.

Thứ nữa đấu thầu tập trung làm trên quy mô lớn thì nguy cơ cũng lớn, khả năng công ty đứt hàng, công ty không cung ứng được và một vấn đề nữa chúng tôi cũng nhận thấy nguồn nhân lực cho công tác đấu thầu chúng ta chưa chuẩn bị kỹ, chưa có khung pháp lý cho nó phù hợp, cho nó đúng luật.

Nhân sự thiếu, chưa có kinh nghiệm đấu thầu. Rồi về khung pháp lý, có Luật đấu thầu nhưng chúng ta vẫn chưa có thông tư về Luật đấu thầu mới. Tuy cũng có chia nhóm để tăng cường thuốc vào bệnh viện, tránh tập trung vào giá nhưng vẫn xảy ra tình trạng thuốc quá rẻ trúng thầu, do đó đặt ra lo ngại về chất lượng.  Cũng như về kiểm soát tiêu cực, vẫn để lọt lưới!

* VOH: Thực tế chúng ta đã gặp chuyện mà bà vừa nêu chưa ? Bà có thể nói rõ hơn?

PGS.TS Phong Lan:  Thời gian qua đã có những mặt hàng cấp số đăng kí chưa có hoặc rơi vào thuốc giả có mặt trong danh sách trúng thầu làm cho dư luận hết sức bức xúc mà cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý

Ảnh minh họa - Nguồn: VNE.

* VOH: Rõ ràng theo như bà chia sẻ sẽ theo sau câu chuyện đấu thầu với hình thức này sẽ là những hệ lụy. Vậy mô hình nào là  phù hợp hoàn cảnh này thưa bà ?

PGS.TS Phong Lan: Chúng ta cần cân nhắc lại giữa hiệu quả và cái tồn tại để tìm ra mô hình hiệu quả.

Vừa qua, bức xúc trước tình trạng các bệnh viện không được cung ứng đủ về thuốc, trang thiết bị, đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt để Sở trả lại quyền tự quyết cho các bệnh viện tôi nghĩ đây cũng là vấn đề hợp lý. Vấn đề chúng ta làm như thế nào. Bệnh viện thì chúng ta yêu cầu họ tự chủ theo khuynh hướng mới, chứng minh y hiệu của mình, phải thu hút bệnh nhân.

Nhưng tự chủ bằng việc không cung cấp ngân sách nhưng không để họ tự quyết, cái gì cũng qua trung gian Sở. Như vậy thì sẽ thủ tiêu tính chủ động sáng tạo của đội ngũ trí thức. Tôi nghĩ nếu anh em được "cởi trói" trong vấn đề này, thêm vào sự hết lòng hết sức của họ thì tôi nghĩ nhiều bệnh viện công lập họ sẽ phát triển hơn nữa.

Thứ nữa cũng không nên cho rằng đấu thầu tập trung tốt hay đấu thầu riêng lẻ tốt, cái nào cũng có mặt mạnh mặt yếu khác nhau. Một trong những lo ngại khi đấu thầu riêng lẻ là làm sao kiểm soát tiêu cực khi chia nhỏ ra.

Có hai vấn đề, một là thuốc được chỉ định có hợp lý không hay bị bác sĩ lạm dụng do vấn đề hoa hồng, vấn đề tác động của công ty dược – đây là vấn đề nhức nhối của ngành. Thêm nữa là giá trúng thầu như thế nào, có chênh lệch quá hay không, để giải quyết vấn đề này dù hình thức đấu thầu nào chúng ta cũng phải kiểm soát về kê đơn thuốc, danh mục thuốc, cân nhắc giữa giá cả và tác dụng không bị ảnh hưởng bởi hoa hồng kê đơn.

Để làm được điều này phải phát huy vai trò của hội đồng thuốc điều trị tại bệnh viện và giám sát từ Sở Y tế TP.

Cám ơn bà.