Đẩy mạnh thủ tục điện tử cảng biển, giảm thủ tục hành chính

(VOH) - Nghị định 77/2017 đi vào thực tế giúp giảm các thủ tục hành chính và đẩy mạnh thủ tục biên phòng điện tử cảng biển.

Nghị định 77/2017 ban hành ngày 03/7/2017 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu Cảng thay thế Nghị định số 50/2008 nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu Cảng; Theo đó, Nghị định 77/2017 đã áp dụng công nghệ thông tin trong thủ tục biên phòng điện tử Cảng biển, kết nối với Cổng thông tin Một cửa Quốc gia, giúp các Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển có thể khai báo thủ tục tàu thuyền trước khi đến Cảng từ 12 – 24 tiếng. Xung quanh nội dung này, Phóng viên Minh Phước có cuộc trao đổi với Đại tá Tô Danh Út – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TPHCM.

* VOH: Thưa ông, việc triển khai thực hiện Nghị định 77 của Chính phủ sẽ đem đến những hiệu quả như thế nào đối với công tác quản lý an ninh, trật tự tại hệ thống cảng trên địa bàn TPHCM?

- Đại tá Tô Danh Út: Trước hết, Nghị định 77 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất cụ thể về nhiệm vụ của bộ đội biên phòng trong công tác thủ tục biên phòng điện tử, công tác kiểm tra giám sát biên phòng, việc cấp thị thực và các loại giấy phép do bộ đội biên phòng cấp tại cửa khẩu Cảng thành phố. Thứ hai là về vấn đề quản lý hoạt động của người Việt Nam, người nước ngoài, tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền mang cờ Quốc tịch nước ngoài và các phương tiện khác của Việt Nam, của nước ngoài tại cửa khẩu cảng thành phố. Thứ ba là trách nhiệm của các Bộ ngành Trung ương, của Ủy ban nhân dân, của các Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có cửa khẩu Cảng, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại Cảng cũng như là lực lượng chức năng của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong hoạt động quản lý bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu Cảng các Tỉnh/thành phố. Trên cơ sở đó giúp cho các cơ quan, các đơn vị tránh được sự chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ, cũng như tạo cơ sở hành lang pháp lý để Bộ đội biên phòng triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các cửa khẩu cảng biển của các Tỉnh/thành phố.

Chúng tôi nhận thấy rằng Nghị định 77 của chính phủ phục vụ cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính; Tạo điều kiện thuận lợi nhanh chóng về thủ tục xuất nhập cảnh đối với tàu thuyền đến và rời cửa khẩu Cảng; Thông thoáng cho các doanh nghiệp các tổ chức cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu cảng biển các tỉnh thành phố và phù hợp với các tiêu chuẩn và khuyến nghị của công ước tạo thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế. Qua đó các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại Cảng, trong đó có Bộ đội biên phòng – chúng tôi đã và đang phối hợp với nhau để làm sao chuyển đổi cách thức cũng như công tác làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho người phương tiện đến và rời cảng biển từ cách làm thủ công sang cách làm điện tử.

Nghị định này cũng đã điều chỉnh được một số vấn đề nảy sinh bất cập về nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Trong thực tế, khi triển khai thực hiện nghị định 50/2008 của Chính phủ như là về vấn đề khái niệm về cửa khẩu Cảng, về khu vực cửa khẩu Cảng và phạm vi điều chỉnh đối với đối tượng, thủ tục cấp thị thực và các loại giấy phép tại các cửa khẩu Cảng. Việc áp dụng quy định của pháp luật đối với cảnh thủy nội địa, việc đăng ký kiểm soát, Kiểm tra giám sát tàu thuyền, các loại phương tiện thủy Việt Nam hoạt động tuyến nội địa đến và rời cửa khẩu Cảng.

Đẩy mạnh thủ tục điện tử cảng biển, giảm thủ tục hàn chính

* VOH: Việc áp dụng Nghị định này đem đến những thuận lợi nào cho doanh nghiệp trong xuất nhập hàng hóa thông qua cảng?

- Đại tá Tô Danh Út: Có thể khẳng định rằng, so với Nghị định 50/2008 của Thủ tướng Chính phủ trước đây, bây giờ là Nghị định 77 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi nhận thấy rằng đã có những điều chỉnh có lợi và tạo nhiều điều kiện thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu cảng biển. Chúng tôi thấy rằng, Nghị định 77 của Thủ tướng Chính phủ lần này cũng đã đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện đến và rời cửa khẩu Cảng. Cụ thể, trong nghị định bãi bỏ một số quy định về cấp giấy phép cho người nước ngoài đến làm việc, đến hoạt động tại cửa khẩu Cảng, chẳng hạn như bãi bỏ bản khai hàng hóa nguy hiểm đối với các loại giấy tờ phải nộp trước khi thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảnh đi chuyển cảnh đến, cho phép người Việt Nam, người nước ngoài được xuống tàu, rời tàu. Thuyền của nước ngoài và các phương tiện của Việt Nam, các phương tiện của nước ngoài được cập mạn tàu thuyền nước ngoài để thực hiện các hoạt động liên quan đến bốc dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền; Thực hiện thủ tục biên phòng điện tử mà không phải mất thời gian chờ để hoàn thành thủ tục. Việc mở rộng khung thời gian của thuyền viên, của hành khách người nước ngoài hoặc là thuyền viên hành khách nước ngoài ở trên các tuyến tàu khi đi bờ thì không phải cấp giấy thị thực. Bên cạnh đó là việc bãi bỏ quy định nộp lý lịch cá nhân của các cơ quan chủ quản, của các địa phương mà xác nhận cho người và phương tiện khi tham gia vào hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Cảng. Đặc biệt là tăng thời hạn cũng như phạm vi sử dụng của giấy phép cấp phép cho người Việt Nam và cho người nước ngoài thực hiện các hoạt động liên quan đến tàu thuyền nước ngoài neo đậu tại cửa khẩu Cảng biển của các Tỉnh/thành phố.

* VOH: Theo ông việc triển khai nội dung Nghị định 77 của Chính phủ đến đội ngũ cán bộ tại các hệ thống cảng TPHCM sẽ mất thời gian bao lâu ? Chúng ta có dự tính đến những khó khăn nào không?

- Đại tá Tô Danh Út: Theo chúng tôi nhận định rằng thời gian là không mất bao lâu. Chúng tôi đã được chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo rất chặt chẽ việc triển khai thực hiện Nghị định 77 của Chính phủ. Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo cho Bộ đội biên phòng và các ngành chức năng trong hệ thống Cảng biển của thành phố tổ chức thực hiện các  quy định mới của nghị định vào tháng 10/2017, và chúng tôi đã thực hiện một cách đồng bộ có hiệu quả. Vì vậy, cho đến nay, hầu hết các lực lượng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng Biển của thành phố đã nắm rất chắc các nội dung, triển khai thực hiện đúng các quy định của Nghị định 77. Trong hội nghị “Quán triệt thực hiện Nghị định 77/2017 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu Cảng” vừa được tổ chức là dịp để UBND TP quán triệt triển khai Nghị định sâu rộng đến các sở ban ngành, đến các cấp ủy chính quyền ra địa phương. Mục đích nhằm để sơ kết đánh giá kết quả công tác phối hợp của các sở ngành, đoàn thể chính trị xã hội thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại Cảng đối với Bộ đội biên phòng như thế nào để UBND TP có kế hoạch chỉ đạo cho các lực lượng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh cửa khẩu Cảng biển của thành phố trong giai đoạn mới, đặc biệt trong quá trình thực hiện nghị định 77 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào những điểm mới nảy sinh thì chúng tôi sẽ kịp thời báo cáo với Quân ủy Trung ương, với Bộ quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng.

Đối với Bộ đội biên phòng TP chúng tôi cùng với xu thế mở cửa hội nhập thì lượng tàu thuyền và hàng hóa đến cảng biển của TP ngày càng tăng cao. Đây cũng là một yêu cầu rất cao đối với công tác quản lý bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực Cảng TP. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất và các trang bị phương tiện nghiệp vụ phục vụ cho công tác cũng còn thiếu, một số trang bị thì xuống cấp, không còn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới của Bộ đội biên phòng. Nhưng với tinh thần và ý chí  quyết tâm cao, cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng TP chúng tôi sẽ nỗ lực cố gắng quyết tâm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh tuyến biển cũng như là cửa khẩu Cảng thành phố, để góp phần vào sự nghiệp hội nhập và phát triển của thành phố.

* VOH: Cảm ơn ông!