ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó hạn mặn

(VOH) - Các tỉnh ĐBSCL cần tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn mặn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đã nhấn mạnh vấn đề này tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ Đông xuân 2015 - 2016 và triển khai kế hoạch vụ Hè thu, Thu đông và Mùa năm 2016 các tỉnh Nam bộ” vừa diễn ra sáng 25/3 tại tỉnh Tiền Giang.

Khô hạn và xâm nhập mặn đang gây nhiều thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL  (Ảnh: thanhnien.vn)

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương cùng sự chủ động sáng tạo từ các địa phương và bà con nông dân mà những thiệt hại từ hạn mặn đối với sản xuất vụ Đông xuân 2015 - 2016 đã giảm bớt. Trong tổng diện tích lúa Đông xuân đã xuống giống của toàn vùng ĐBSCL khoảng 1.600.000 hecta thì hiện chỉ có 180.000 hecta bị thiệt hại.

Tuy vậy, Thứ trưởng khuyến cáo các địa phương không được lơ là trong công tác phòng chống ứng phó với hạn mặn. Bởi đến nay, vụ lúa Đông xuân của vùng còn khoảng 500.000 hecta đang ở giai đoạn đòng trỗ và vụ Hè thu cũng chuẩn bị bắt đầu. Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh:

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, nền nhiệt độ trong các tháng mùa khô 2016 tại khu vực ĐBSCL có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1,5oC, nhiệt độ cao nhất ở mức 33 – 370C. Lượng dòng chảy các sông suối thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 - 50%, một số nơi hụt tới 80%. Trên nhiều lưu vực sông, xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử.

Tình trạng này gây bất lợi cho sản xuất vụ Đông Xuân 2015 - 2016 của các tỉnh khi phải đối phó với hàng loạt các diễn biến bất thường của thời tiết, khí tượng, thủy văn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là bằng sự chủ động đề ra các giải pháp ứng phó mà nhiều địa phương đã làm giảm đáng kể thiệt hại từ hạn mặn gây ra. Trong đó, Tiền Giang được xem là tỉnh làm rất tốt công tác này.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết những giải pháp mà tỉnh đã thực hiện trong việc ứng phó với hạn mặn:

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện nay hạn mặn là vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu các tỉnh đều thực hiện, đều hành động sáng tạo như Tiền Giang thì thiệt hại sẽ ít đi. Vì vậy, trong khi dự báo vụ sản xuất Hè thu 2016 sắp tới sẽ còn khó khăn thì ngành nông nghiệp cùng các địa phương cần chủ động thực hiện quy hoạch cây trồng vật nuôi cho phù hợp. Ông Nguyễn Quốc Việt nêu ý kiến:

Ngoài ra, để giúp vụ sản xuất Hè thu 2016 ứng phó tốt với hạn hán và xâm nhập mặn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các tỉnh cần xây dựng kế hoạch thật cụ thể và xác định các giải pháp kèm theo. Đặc biệt đối với diện tích khoảng 150.000 hecta của vùng đã và đang bị mặn của vụ Đông xuân rất nặng thì cần dứt khoát không xuống giống nếu chưa được rửa mặn.

TPHCM: gần 200 hecta diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do xâm nhập mặn

Theo số liệu báo cáo tại hội nghị giao ban quý I của Hội Nông dân TPHCM vừa diễn ra sáng 25/3 đã có khoảng 200 hecta diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Trong đó, xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ bị thiệt hại nhiều nhất, với tỷ lệ thủy sản chết chiếm 80% trên 63 hecta, nghêu chết từ 30% đến 50% trên 130 hecta diện tích nuôi trồng.

Ngoài ra, độ mặn tăng cao làm cho 225 hecta nuôi tôm thường niên của nông dân huyện Nhà Bè không thể xuống giống, trên 70 hecta diện tích cây trồng ở quận 9 và huyện Bình Chánh bị ảnh hưởng. Mặt khác, nắng nóng kéo dài làm sản lượng muối tăng, gây khó khăn trong tiêu thụ. Hiện trên địa bàn huyện Cần Giờ lượng muối tồn đọng trên 61.000 tấn, giá bán chưa đến 400 đồng/kg.