Dè chừng mác siêu sạch !

(VOH) - Trước đây nước mía có giá bình dân, công nghệ xay ép bằng tay hoặc máy xăng Koler nên độ sạch có nhiều hạn chế. Hiện nay, nhờ công nghệ, mía được xay ép, cho vào ly nhựa, có nắp bảo vệ và dán mác “nước mía siêu sạch”.

Vì vậy, giá một ly nước mía tăng lên từ 4.000 đến 10.000 đồng. Tuy nhiên, nước mía siêu sạch này chưa hoàn toàn “sạch” trong cả chuỗi mà chỉ sạch ở đầu ra, đó là ép nước và đóng ly.

Một điểm bán nước mía "siêu sạch khổng lồ" giá rẻ - Ảnh: VNE.

 

Trong chuỗi sản xuất từ cây mía đến một ly nước mía thành phẩm ở vùng đô thị phải trải qua nhiều công đoạn. Cây mía ngoài đồng được đốn, bó cây chuyển về chợ sỉ hoặc đại lý. Các điểm bán lẻ mua, đem về, cạo vỏ, chặt ngắn, dự trữ và khi có khách, mới trực tiếp xay ép ra nước mía. Hiện nay, công đoạn từ cây mía ra một ly nước mía có sự thay đổi, làm ăn theo chuỗi. Trước đây, người chủ trực tiếp “xử lý” cây mía thì nay đã có dịch vụ cung cấp mía cây được cạo sẵn, chặt ngắn, cột từng bó, giao theo nhu cầu. Một đại lý mỗi ngày có thể cung cấp vài thiên mía cây cho vài chục điểm bán lẻ.

Có siêu sạch không khi một người mình trần, mồ hôi nhễ nhại cạo vỏ mía một cách sơ sài, rồi chặt ngắn, cột bằng những sợi nylon đủ màu, đen, vàng, đỏ, xanh, là màu công nghiệp, có nguy cơ thấm vào thân cây mía. Khi những bó mía đã cạo vỏ đưa đến các điểm bán lẻ, họ bảo quản bằng cách cho một đầu bó mía ngâm trong thùng nước và bọc đầu còn lại trong những bao nylon 25 kg để mía không bị khô. Trước khi xay ép, họ còn nhúng rửa qua loa cho cây mía này.

Quy trình sơ chế mía sơ sài - Ảnh: TPO.

Qua ly nước mía được cho là “siêu sạch”, đến lúc cần hiểu đúng về những sản phẩm dán mác “sạch” hoặc “siêu sạch” nhan nhản trên thị trường. Ví dụ, cà chua được trồng tại vườn theo chuẩn VietGap, cho ra sản phẩm được chứng nhận là sạch, an toàn thực phẩm, không tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật... nhưng trong khâu vận chuyển liệu có được bảo đảm 100% là sạch. Cụ thể khi đóng thùng, bốc vác đến chợ đầu mối, đưa xuống đại lý, dự trữ, rồi về chợ bán lẻ... có rất nhiều “cơ hội” để trái cà chua bị nhiễm bẩn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Cuối cùng, đến tay người tiêu dùng mới được gọi là “sạch” trở lại qua việc rửa, nấu chín trước khi ăn.

Hiện nay dù có Luật An toàn vệ sinh thực phẩm nhưng cơ quan chức năng không thể nào đủ nguồn lực bao quát toàn bộ thực phẩm. Như vậy, muốn thực phẩm, sản phẩm thực sự sạch, an toàn, cần có sự hiểu biết và chủ động, tự giác thực hiện của các khâu liên quan trong chuỗi. Bên cạnh đó, người bán cũng không thể tự tiện gắn mác siêu sạch cho một sản phẩm bình thường để lừa người tiêu dùng. 

Clip chế biến nước mía "siêu sạch" - Nguồn: VNE.