Để được dân gửi gắm niềm tin

(VOH) - Có một “công thức” gần như “bất biến”, mà lâu nay, hầu hết các phóng viên Quốc hội đều áp dụng: đó là lắng nghe xem vị đại biểu nào nói hay, nói thất hùng hồn và lôi cuốn, tại nghị trường, để sau đó tìm gặp phỏng vấn bên lề, trong giờ nghỉ giải lao

Với kiểu tác nghiệp này, báo chí luôn có được những ý kiến sắc sảo, hùng hồn, đầy “gai góc”, để đăng tải, nhưng bên cạnh đó, điều hạn chế không khó để nhận thấy, là nội dung các báo thường trùng nhau và quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài gương mặt “quen thuộc”, như Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Tôn Nữ Thị Ninh… Đơn giản là vì ngoài mấy vị này ra thì số còn lại, phần đông đều quá “hiền”, hiểu theo nghĩa ít nói, ít phát biểu trong các phiên họp toàn thể, chẳng chất vấn ai bao giờ và cũng có vẻ ngại tiếp xúc với giới truyền thông! Có không ít nghị sĩ, trong suốt nhiệm kỳ của mình chưa một lần phát biểu ý kiến. Có nhiều vị, có thể do hạn chế về khả năng diễn đạt hay vì lý do tế nhị nào khác, phát biểu không có nội dung gì đáng chú ý… Tuy nhiên, càng về sau này, tình hình đã dần được cải thiện, và đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 12 cuối năm rồi thì chất lượng đại biểu, theo các nhà báo kỳ cựu chuyên mảng này, đã được nâng lên một cách rõ rệt!

Đã không còn những ý kiến, những phát biểu kiểu “nói cho có” hoặc “chẳng ra đầu ra đũa” như trước, mà thay vào đó, hầu hết đều rất sát sườn, có chiều sâu, thể hiện tư duy sắc xảo, bao quát được vấn đề và có sự chuẩn bị chu đáo của người phát ngôn. Vai trò “nói lên tiếng nói người dân” cũng đã được các đại biểu thể hiện đầy trách nhiệm, khiến cho tại rất nhiều buổi nghị sự, vị chủ tọa phải “kết” bằng câu: “còn nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, nhưng do thời gian không cho phép, nên đề nghị gửi văn bản, để bộ phận thư ký tổng hợp, trình Ban thường vụ…”.

Chất lượng các phiên chất vấn tại kỳ họp này cũng được đánh giá cao hơn hẳn, khi có rất nhiều câu hỏi “ra ngô ra khoai”, mang tính bản chất vấn đề được đặt ra và “truy đến nơi đến chốn” các thành viên đăng đàn, kể cả đó là Thủ tướng! Và đáng nói là số các thành viên “mạnh miệng”, thẳng thắn bày tỏ chính kiến, quan điểm, không ngại “đụng chạm” như thế, lần này có rất nhiều, chứ không gói gọn trong phạm vi vài gương mặt “đình đám” như trước! Một khía cạnh nữa, để đánh giá tích cực về chất lượng đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này là việc nghị trường luôn đông kín, kể cả thứ bảy, chủ nhật hay những phiên thảo luận về những vấn đề đậm tính chuyên ngành!

Rõ ràng, với một lực lượng 493 đại biểu Quốc hội, là những đại diện ưu tú nhất cho gần 90 triệu người dân Việt nam, mà trong đó lại có đến 96% có trình độ từ đại học trở lên thì suy cho cùng, không có gì đáng để băn khoăn về độ sáng suốt của những quyết sách, mà cơ quan lập pháp đưa ra. Vấn đề là làm sao để các “khối óc” của dân này thực sự phát huy hết công suất, hiệu quả? Đó cũng là điều mà Quốc hội luôn trăn trở và không ngừng tìm tòi, đổi mới, tìm ra cơ chế hoạt động hợp lý, và nhờ vậy, chất lượng đã ngày một nâng lên thất rõ!

Trước tiên, phải kể đến chủ trương đúng đắn là giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm, để nâng số đại biểu chuyên trách lên, bước đầu là 25%, tại khóa 12 này. Thực tế cho thấy, các đại biểu kiêm nhiệm lãnh đạo trung ương hay địa phương, vì nhiều lý do tế nhị, thường rất ít phát biểu, càng không chất vấn, trong khi các đại biểu chuyên trách thì do ít ràng buộc với chính quyền, lại có trình độ, nên họ thường tự tìm vấn đề để chất vấn, hay cũng có thể được “mồi”, để hỏi những câu “gai góc”! Và chính những vị này, vừa rồi đã “hâm nóng hẳn” không khí nghị trường, so với với những kỳ họp trước.

Điểm tích cực nữa, trong nỗ lực “làm mới mình” của Quốc hội là việc đa dạng hóa thành phần, trong cơ cấu các đoàn đại biểu địa phương. Không khó để nhận thấy, trong các buổi họp tổ, bàn về bất cứ lĩnh vực gì cũng thấy có mặt chuyên gia ngành đó, nhờ vậy, làm tăng chất lượng, chiều sâu của vấn đề thảo luận. Bên cạnh đó, các ủy ban chuyên trách, các đoàn giám sát của Quốc hội cũng ngày càng quy tụ được nhiều hơn những con người có “tâm và có tầm”, luôn nhanh nhạy nắm bắt vấn đề, “chỉ đâu trúng đó” và tham mưu những quyết sách sáng suốt.

Tuy nhiên, cái được đáng ghi nhận nhất, qua kỳ họp Quốc hội vừa qua là tính dân chủ được tăng cường. Mọi vấn đề đều được bàn luận một cách công khai, minh bạch, theo quy trình: lấy ý kiến các đại, sau đó tổng hợp, để tiếp thu và giải trình, trước khi biểu quyết thông qua. Ngay cả những ý kiến thiểu số, có phần “lạc lõng” đi chăng nữa thì cũng đều được ghi nhận và sau đó luận bàn cặn kẽ, thấu tình, đạt lý, ngay trên hội trường. Các vấn đề “Quốc kế dân sinh” hay các phiên chất vấn đều được truyền hình và phát thanh trực tiếp, để người dân theo dõi. Đặc biệt, nét mới không thể không nhắc đến là chuyện các thành viên Chính phủ không phải đại biểu Quốc hội, nhưng cũng được đề nghị có mặt đầy đủ tại hội trường, để sẵn sàng trao đổi, giải trình về những vấn đề có liên quan. Đó đều là những “dữ liệu” đầy tính thuyết phục về sự tăng chất của cơ quan lập pháp Việt nam và cũng là cơ sở để tin rằng, một ngày không xa, Quốc hội sẽ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, hoạt động hiệu quả nhất, xứng đáng để toàn thể người dân gửi gắm kỳ vọng và trao trọn niềm tin!

Duy Khanh