Đề xuất các giải pháp bảo tồn các giá trị di sản văn hóa tại TPHCM

(VOH) - Hiện nay, các di sản cảnh quan kiến trúc tại TPHCM, nhất là trong khu vực nội thành hiện hữu, đang đối mặt với nguy cơ dần biến mất trước áp lực phát triển đô thị.

Vì vậy, cơ chế "chuyển quyền phát triển" có thể giải quyết vấn đề này dựa trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, xã hội và lợi ích riêng của cá nhân, tổ chức sở hữu di sản cảnh quan – kiến trúc.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, gợi ý giải pháp trên, tại Hội thảo quốc tế “Hội nhập quốc tế về bảo tồn – Cơ hội và thách thức cho các giá trị di sản văn hóa” diễn ra sáng 30/11.

Hội thảo do Trường Đại học Văn hóa TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Bảo tồn và Bảo quản các tài sản văn hóa phối hợp tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình chia sẻ tại Hội thảo

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình cho hay, cơ chế chuyển quyền phát triển (tên tiếng Anh Transfer of Development Right, gọi tắt là TDR), đã được áp dụng rộng rãi ở các đô thị khác nhau trên thế giới như New York – Mỹ, Sydney – Úc, HongKong, Đài Loan…

Đơn cử, tại Mỹ, chính quyền New York không cho phép Penn Central xây dựng toà tháp 55 tầng bên trên Nhà ga Trung tâm để không ảnh hưởng đến không gian lịch sử của di sản kiến trúc này. Thay vào đó, Penn Central được chuyển quyền phát triển về khu đất kế cận.

Tương tự trường hợp của Đài Loan, cơ chế TDR đã làm Khu phố cổ Dadaocheng thay đổi đáng kể trong hơn mười năm qua. Cơ chế này đã làm giảm thiểu áp lực ngân sách chi trực tiếp cho công tác bảo tồn, nhưng vẫn thúc đẩy công tác bảo tồn nhờ tạo ra được cuộc chơi “win - win” – đôi bên cùng có lợi, đặc biệt là đối với chủ sở hữu các di sản kiến trúc.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình nếu áp dụng chính sách này, chúng ta sẽ góp phần rất tốt trong việc bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc cổ, nhất là các kiến trúc không nằm trong luật bảo tồn di sản văn hóa, không được hỗ trợ từ phía Nhà nước. Sẽ có nguồn lực của xã hội để duy tu duy trì cảnh quan, kiến trúc đó. Nói chung, chính sách này là huy động được nguồn lực xã hội vừa đảm bảo lợi ích của xã hội, lợi ích của người chủ di sản đó, lợi ích của cộng đồng.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận xoay quanh các chủ đề: cơ hội và thách thức của hội nhập quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tính tất yếu của hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; sự đa dạng của phương pháp tiếp cận trong bảo tồn di sản văn hóa của các vùng, các quốc gia; Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc bảo tồn di sản văn hóa…

TPHCM xem xét đưa Dinh Thượng thơ vào danh mục bảo tồn - UBND TPHCM sẽ xem xét, nếu thấy tính chất và quy mô kiến trúc của Dinh thượng thơ phù hợp với các điều kiện cần phải bảo tồn thì sẽ đưa di tích kiến trúc này vào danh mục cần phải bảo ...

TPHCM: Kiến nghị cần đưa Dinh Thượng Thơ vào danh mục bảo tồn - Dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng từ năm 1860, dưới thời Pháp thuộc là Sở Nội vụ Nam Kỳ, sau đó được nhập vào Văn phòng Thơ Ký Thống đốc Nam Kỳ.