Đề xuất tăng số lượng Đại biểu Quốc hội chuyên trách

(VOH) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, sáng 29/10, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Việc sửa đổi, bổ sung Luật này là nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua. Dự thảo luật lần này sửa đổi, bổ sung 11/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Việc sửa đổi quy định về tỷ lệ đại biểu chuyên trách là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn 

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn 

Các đại biểu đề nghị tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, giảm bớt cơ cấu số lượng đại biểu kiêm nhiệm, nhất là đại biểu khối hành pháp. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, thực tiễn cho thấy các ĐBQH chuyên trách có nhiều thời gian để hoạt động chuyên trách, có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu, nên đem lại hiệu quả cao hơn.

“Tôi nghĩ một Đại biểu hoạt động chuyên trách có nhiều lợi thế, và giúp cho đại biểu đó toàn tâm toàn ý cho hoạt động của mình. Thứ nữa, công việc ngày càng nhiều, vấn đề là làm sao làm được việc trên cơ sở cải cách hành chính…để cùng một thời gian nhưng công việc làm được nhiều hơn, đáp ứng hiệu quả công việc cao hơn. Đại biểu đóng 2 vai thì không thể nào bằng Đại biểu quốc hội chuyên trách được”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu. 

Về một số nội dung việc sáp nhập 3 Văn phòng UBND, HĐND và Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh/ thành phố thành 1 Văn phòng chung, theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc sáp nhập như vậy là không hợp lý bởi giữa cơ quan hành pháp, tư pháp, giám sát có vị trí, chức năng, chính sách cũng khác nhau. Nên chăng, chỉ sáp nhập Văn phòng HĐND và Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh/ thành phố làm 1 Văn phòng, còn Văn phòng UBND phải tách riêng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng những đoàn ĐBQH lớn thì nên có văn phòng riêng. Ông Nghĩa nói: “Các ĐBQH ở các đoàn đông có một văn phòng chuyên trách thì điều phối công việc hợp lý hơn rất nhiều. Nhưng quan trọng với các cử tri, số lượng cử tri rất nhiều nên nhu cầu tiếp xúc nhu cầu xử lý đơn thư rất nhiều. Như TPHCM quanh năm tiếp dân trực tiếp… Do đó tôi đề nghị không bình quân chủ nghĩa, và có thể quy định với những đoàn đại biểu có số lượng như thế nào thì có văn phòng riêng.”

Cũng trong sáng 29/10, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Đại biểu Trần Thị Phương Hoa – đoàn Hà Nội nêu ý kiến cần tăng quyền hạn và trách nhiệm cho Chủ tịch UBND quận cũng như chủ tịch UBND phường, thị xã.

“Về an ninh ở địa phương, trật tự an toàn xã hội như thế nào thì trong chức năng, nhiệm vụ dự thảo quy định mới chỉ nói đến phòng chống tệ nạn xã hội và trật tự, vệ sinh sạch đẹp đường làng ngõ phố. Tôi lo nhất phần an ninh trên địa bàn các phường, bởi vì hiện nay trên địa bàn quận Cầu Giấy chẳng hạn, phường Trung Hòa có trên 5 vạn dân, có 7 ngàn người nước ngoài sống trên địa bàn quận. Tôi nghĩ là phải tăng trách nhiệm cho đồng chí chủ tịch UBND quận để UBND quận phải lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề này như thế nào” - Đại biểu Trần Thị Phương Hoa nói. 

10 tháng năm 2019: Hơn 6.300 người chết vì tai nạn giao thông - Tính chung 10 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông, gồm 7.542 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 6.709 vụ va chạm giao thông, làm 6.318 người ...
Thịt heo, giá xăng tăng làm CPI tháng 10 tăng 0,59% - Giá thịt heo tăng, tăng giá xăng, dầu theo giá thế giới; tăng giá dịch vụ giáo dục là những yếu tố chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước.