Đến 2020, TPHCM phấn đấu phân loại rác 50%

(VOH) - Kỳ họp thứ 4 (kỳ họp bất thường) của HĐND TP với chủ đề: “Công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố" khai mạc sáng nay 11/6.

Mục tiêu kỳ họp là đánh giá đúng tình hình, kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, chương trình hành động của Thành ủy đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường nhất là môi trường đô thị, khu dân cư và tình hình quản lý chất thải trên địa bàn thành phố; xem xét nghị quyết của HĐND TP về công tác bảo vệ môi trường đô thị.

TPHCM là đô thị đặc biệt với diện tích hơn 2.000 km2, 8,5 triệu người, mật độ 4.773 người/km2; đặc thù này tạo áp lực lớn đối với quản lý môi trường, bình quân xả nước thải 1,75 triệu m3/ngày, 8.300 tấn chất thải rắn/ngày và xả một lượng khí thải từ 7,9 triệu phương tiện giao thông, hơn 800 nguồn khí thải công nghiệp.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM báo cáo, hiện thành phố có ba chủ nguồn thải lớn: hộ gia đình chiếm 42% lượng rác thải sinh hoạt, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại chiếm khoảng 40,5%. Nguồn thải thứ 3 gồm đường phố, kênh rạch, công viên, chiếm 17,5%.

Về quản lý nhà nước, chúng ta chưa quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập. Vấn đề xử lý mùi là khó khắc phục nhất; công nghệ compos và đốt chúng ta đang làm chưa hiện đại.

Ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban đô thị, HĐND TPHCM đánh giá, tình hình ô nhiễm không khí, đất và nước giảm chưa đáng kể. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn chưa đồng bộ, kịp thời; ý thức, giữ gìn vệ sinh môi trường của đa số người dân, doanh nghiệp chưa chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động của cơ quan chức năng còn thiếu tính đồng bộ, chưa bám sát mục tiêu, kế hoạch đề ra nên chưa tạo sự đột phá mạnh mẽ.

Nhiều đại biểu đề nghị việc tuyên truyền nâng cao nhận thức môi trường trong cộng đồng cần đưa vào giáo dục khối tiểu học, mầm non và các cấp lớn hơn. Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền.

Về chi phí thu gom tại nguồn không để tăng đột biến, nên có chính sánh trợ giá trong thu gom rác, khuyến khích người dân tích cực tham gia. Khi tính phí cần phải lấy ý kiến người dân. Việc xử lý phải nghiêm minh, có lực lượng xử lý theo nghị định 155.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga phản ánh, khó khăn trong việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại Quận 12: “Dù các cơ sở cam kết di dời từ 31/12/2016 nhưng lại không chấp hành. Quận 12 đưa ra các biện pháp như chốt chặn không cho vận chuyển nguyên vật liệu đốt…nhưng chưa triệt để.

Chúng tôi đề xuất đến Sở Tài nguyên và Môi trường có một số biện pháp cưỡng chế, tuy nhiên, các biện pháp chúng tôi đưa ra được trả lời của Sở là không có căn cứ để thực hiện”.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa cho biết, từ đây đến năm 2020, UBND TP chỉ đạo một số điểm trọng tâm: vấn đề quét dọn đường phố, thu gom, xử lý rác phân cấp mạnh về cho sở ngành và quận huyện và dần sẽ thực hiện cơ giới hóa. Thành phố đã hoàn thành xong thùng rác công cộng và phương tiện trợ lực cho người đi thu gom, nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom dân lập.

Về phân loại rác tại nguồn, đề nghị từ 2016 – 2020 cố gắng phân loại rác bình quân cả thành phố ở mức 50%. Cần có chính sách khuyến khích đối với bà con phân loại rác tạo nguồn.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu, Ủy ban nhân dân TP có những chương trình, kế hoạch bảo đảm đủ nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường song hành với phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời mong muốn cử tri thành phố tự giác tham gia bảo vệ môi trường, giám sát các cấp chính quyền trong thực hiện nghị quyết. Đồng thời các cá nhân, tổ chức có năng lực, có quan tâm cùng chung sức giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường.

100% đại biểu đã thông qua nghị quyết kỳ họp.