Đến 6/2015 phải hoàn tất các phương án phòng chống bão mạnh và siêu bão

Sáng 7/10, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão. Phó thủ tướng chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ các kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của bão trước đây có thể phân chia khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của bão thành 5 vùng, ứng với những cấp bão khác nhau. Vùng 1 từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; vùng 2 từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế; Vùng 3 từ Đà Nẵng đến Bình Định, Vùng 4 từ Phú Yên đến Khánh Hòa và vùng 5 từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Cụ thể, vùng 1 từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là vùng có số cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều nhất với tần suất trung bình là 1 đến 1,5 cơn và cũng là vùng chịu ảnh hưởng của bão sớm hơn những vùng khác. Thời kỳ ghi nhận thường xuất hiện bão từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Cường độ bão ghi nhận được khu vực này mạnh đến cấp 15. Vùng 2, 3 và 4 cũng đã ghi nhận có bão mạnh cấp 13 và vùng 5 từ Ninh Thuận đến Cà Mau có bão mạnh cấp 10. Tuy nhiên, vùng 5 vẫn là vùng có nguy cơ thiệt hại cao về người và tài sản nếu có bão mạnh vì sự chủ quan của người dân và cơ sở hạ tầng còn yếu kém do ít bị thiên tai hơn các vùng khác. Bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng qua phân vùng này có thể đáp ứng nhu cầu chỉ đạo ứng phó với bão mạnh và siêu bão.

Hội nghị đã nghe lãnh đạo một số địa phương báo cáo các phương án rà soát quy hoạch cập nhật, điều chỉnh nhằm ứng phó với bão và siêu bão. Trên cơ sở phân vùng bão, các địa phương sẽ sớm xây dựng bản đồ ngập lụt bão và nước biển dâng. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng cho biết sẽ rà soát, đảm bảo các công trình hạ tầng từ hồ đập, nhà ở, giao thông, bên neo đậu tàu thuyền,…phù hợp ứng phó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản. Các địa phương cũng kiến nghị Trung ương sớm bàn giao tàu cứu hộ cứu nạn, xây dựng bản đồ ngập lụt các vùng cửa sông để giúp các địa phương chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó. Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện nay siêu bão thường xuất hiện vùng ven biển nhưng ảnh hưởng sâu vô nội đồng. Vì vậy, không chỉ khu dân cư mà cả các doanh nghiệp… đều bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, cần chú ý rà soát, đề ra giải pháp phù hợp, đặc biệt là khẩn trương xây dựng bản đồ ngập lụt.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: VGP.

 

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các địa phương cần nghiên cứu kỹ các đề tài nghiên cứu báo cáo tại hội nghị để có thể áp dụng cho từng vùng, địa phương cụ thể. Do nước ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cho các dự báo trước đây thiếu chính xác. Vì vậy, công tác dự báo phải có sai số thấp để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Phó thủ tướng cho rằng muốn ứng phó với siêu bão, đầu tiên phải là thông tin dự báo chính xác. Các đơn vị cần đầu tư vào công tác dự báo, mua thêm các rada dự báo độ chính xác cao hơn.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo chậm nhất đến tháng 6/2015, tất cả các địa phương phải xây dựng hoàn tất các phương án phòng chống bão mạnh và siêu bão, nếu chậm là bị thiệt hại bởi siêu bão có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tất cả các Bộ ngành cần rà soát lại quy hoạch ngành mình để có những điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là xác định vùng nguy hiểm, số lượng người di dời, di dời đến địa điểm nào,…. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cần rà soát cùng với các địa phương và có đề xuất cụ thể. Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn và cần xây dựng trang thiết bị phương tiện cần thiết.