Dịch sởi chưa qua, tay chân miệng đã đến

(VOH) - Vào thời điểm này, dịch sởi chưa giải quyết xong nhưng nhiều dịch bệnh tiếp tục bùng phát trong mùa nắng nóng như: tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết.

Theo Cục Y tế Dự phòng, tính đến ngày 9/5, cả nước ghi nhận thêm 47 trường hợp mắc sởi và có thêm hai trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Tính đến nay đã có 4.272 ca mắc sởi được xác định trong số hơn 17.102 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh. Có 17 tỉnh, thành phố báo cáo không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới. 

Ðiều đáng lưu ý là vào thời điểm này, dịch sởi chưa giải quyết xong nhưng nhiều dịch bệnh tiếp tục bùng phát trong mùa nắng nóng như: tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết. Mới đây, thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo về bệnh bại liệt có nguy cơ quay lại và một loại virus tương tự như dịch Sars đang lây lan ở Trung Ðông gây viêm hô hấp cấp, cần có biện pháp phòng tránh tốt để tránh lây nhiễm và mang mầm bệnh vào nước ta.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, mấy ngày nay số bệnh nhi nhập viện và đến khám vì bệnh tay chân miệng bắt đầu gia tăng. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 20.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Chỉ riêng trong tháng 4, TPHCM có 708 ca mắc, tuy nhiên so với thời điểm dịch năm 2012 thì chưa bằng. Hiện tại biểu đồ dịch sởi tại TPHCM đang đi ngang, ngoài tay chân miệng bắt đầu vào mùa thì cũng cần lưu ý một số dịch bệnh khác trong mùa hè như viêm màng não, sốt xuất huyết:

"Các ca bệnh đông hơn năm ngoái nhưng không bằng năm 2012, vì đang vào mùa, sởi thì mình nghĩ sẽ có dịch, mình kiên quyết không nhập đông, chuyển về tuyến trước giải thích cho bệnh nhân, trang bị hô hấp. Tay chân miệng thì thấy Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng cũng đang làm như vậy. Huấn luyện cho quận - huyện, giám sát ca bệnh, tìm xem ổ dịch nằm ở đâu. Nắng nóng thì còn những bệnh khác như viêm màng não, viêm não. Ðầu tiên là phải cho uống đủ nước, hạn chế những công việc hạ nóng quá mức như nằm lạnh quá, tắm lâu quá, đi ra ngoài trời nhiều quá, khi thấy con bị nóng sốt nôn ói thì phải nghĩ ngay đến những bệnh lý thần kinh trung ương, đặc biệt càng ngày càng nhiều".

Trong thời điểm diễn ra dịch sởi tại TPHCM có khá nhiều bệnh nhân nặng nhưng chưa có trường hợp nào tử vong bởi các bệnh viện chủ trương chỉ cho nhập viện những trường hợp nặng, tiên liệu xấu, còn những ca bệnh nhẹ có thể chuyển về tuyến quận - huyện thì vận động và giải thích cho người dân. Đây là một cách giảm tải cho bệnh viện đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.


Sau sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng đang tăng nhanh - Ảnh: Dantri.

Đáng lưu ý là hiện tượng "dịch chồng dịch" trong những ngày qua có thể khiến trẻ bị nhiễm cùng lúc 2-3 loại bệnh. Do đó, các Trung tâm Y tế Dự phòng đã đề nghị ngành giáo dục chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học thường xuyên phát băng thông tin về các loại dịch bệnh phổ biến ở trẻ cũng như cách phòng tránh như thế nào.

Hiệu trưởng của một trường mầm non ở quận 2 cho biết: "Trường có cái kệ để thông tin tuyên truyền, học sinh và phụ huynh đến lấy thông tin nhiều, tồi bản tin ở trước cửa lớp cũng có dán thông tin tuyên truyền, nhiều khi các cô trao đổi trực tiếp với mẹ, nói chung trường từ những hôm trước tới giờ cũng vệ sinh khử khuẩn liên tục, nếu như có ca nghi ngờ là cho cách ly và khử khuẩn liền chớ không để bùng phát".

Mặc dù có nhiều nỗ lực, trên thực tế, nguy cơ ổ bệnh tiềm ẩn bùng phát trên diện rộng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi nhiều nguyên nhân, trong đó đáng ngại nhất là các nhóm trẻ gia đình, cơ sở giữ trẻ không phép không được trang bị kiến thức phòng, chống dịch; Một số bộ phận phụ huynh còn chủ quan, lơ là trong tiêm chủng cho con. Bên cạnh đó, còn là sự chậm trễ của y tế dự phòng trong việc cung cấp đầy đủ vắc-

xin cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng nhà ở Quận 9 khi cậu con trai 12 tháng tuổi mắc bệnh tay chân miệng cho biết: "Nhiều em bé bị, bác sĩ nói rằng em bé nào ngủ hay giật mình, ngủ mê man quấy khóc quá nhiều thì mới vô bệnh viện còn nếu độ 1 thì điều trị tại nhà, vệ sinh sạch sẽ là được. Tôi chỉ đi Trung tâm Y tế Dự phòng thôi, bây giờ em bé được 12 tháng tuổi đến thời gian chích ngừa rất nhiều loại bệnh trong đó có thủy đậu, cách đây hơn 1 tháng mình có đưa con đi chích nhưng được thông báo là hết thuốc và không biết bao giờ mới có lại, mình nghĩ đang mùa dịch mà Trung tâm y tế dự phòng không có thuốc thì chắc các bệnh viện lại càng khó".

Chị Hằng cho biết thêm, trong những ngày đưa con đến khám ở bệnh viện có nhiều phụ huynh cũng giống như chị, 2-3 lần đưa con đi tiêm ngừa đều được báo là hết thuốc không biết bao giờ mới có lại.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh có thể lan rộng, Sở Y tế TPHCM cho biết từ ngày hôm nay 10/5 đến 10/6/2014, Sở sẽ tổ chức tháng chiến dịch, vệ sinh khử khuẩn, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn thành phố

 nhằm kiềm chế dịch tay chân miệng, sởi, thủy đậu và sốt xuất huyết. Riêng với bệnh tay chân miệng thì sắp tới thành phố sẽ tiếp tục vệ sinh, khử khuẩn đồng loạt trên tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình ở 24 quận, huyện. Thành phố cũng sẽ nhanh chóng tiếp tục bổ sung vắc-xin sởi miễn phí cho trẻ từ 3-10 tuổi.