Diễn biến mưa lũ phức tạp hơn ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc

(VOH) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến ngày 3/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to diện rộng, có nơi mưa rất to (phổ biến 100-300mm, cục bộ có nơi lớn hơn 400mm).

Khu vực mưa lớn tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, khu vực Việt Bắc và Tây Bắc.

Tình hình mưa lũ sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh minh họa: tinmoitruong

Từ sáng 1/8, Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, riêng ở ven biển Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80-150mm.

Trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình từ hôm nay đến ngày 4/8 sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ ở thượng lưu từ 3-5m, ở hạ lưu từ 2-3m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình). Mưa lớn cũng sẽ gây ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, các đô thị ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Một vài nơi thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ có mưa dông 50-100mm.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, hiện nay, toàn ngành có 9 hồ đang xả tràn. Còn theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình thủy lợi - Tổng cục Thủy lợi, tình hình các hồ chứa nhỏ khu vực miền núi phía Bắc đạt 50 – 75% dung tích thiết kế, các hồ chứa nhỏ ở Quảng Ninh đã đầy nước và đang tràn tự do. Các hồ chứa lớn đạt từ 40 - 60% dung tích thiết kế, một số hồ đã xấp xỉ mực nước dâng bình thường.

Trước diễn biến  phức tạp của mưa lũ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn công tác đến các tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn để chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh những ngày qua đã làm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh than vùng Quảng Ninh thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người lao động các đơn vị.  Trận mưa lớn, gấp đôi kỷ lục của 40 năm về trước ập xuống Quảng Ninh, nơi có nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh than, nhất là khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả. Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn cho biết đơn vị này tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp trong công tác phòng chống mưa lũ tại tất cả các đơn vị của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và toàn miền Bắc.

Buồi chiều 1/8, tất cả các du khách mắc kẹt mấy ngày qua ở Cô Tô đã về đến Vân Đồn, được tỉnh Quảng Ninh đón chu đáo và hỗ trợ tiền tàu xe.

Trước việc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN thông báo không thể vận chuyển được than do tình hình mưa lũ liên tục, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã có thông cáo cho biết hàng loạt nhà máy điện chỉ còn đủ than dự trữ từ 4,5-20 ngày. EVN cho hay tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nếu chạy một tổ máy chỉ đủ than trong 4,5 ngày nữa là hết (đồng nghĩa nếu không được cấp sẽ dừng phát điện). Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chỉ đủ than trong bảy ngày nữa. Nhiều nhất là nhiệt điện Uông Bí còn đủ than chạy trong 20 ngày. Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN và EVN đã có cuộc họp khẩn. EVN cho biết đã phải chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia huy động thấp các nhà máy nhiệt điện than và yêu cầu các tổng công ty phát điện phải tìm kiếm các nguồn cấp than để duy trì phát điện. Song EVN vẫn phải kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm, góp phần giảm sức ép trong vận hành hệ thống điện.

Trong khi đó, vào lúc 7h sáng 1/8, nước mưa từ nhiều nơi dồn về khe suối Huổi Củ đã tạo thành lũ ống tại khối Tân Tiến, thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Do lũ xảy ra bất ngờ, đã tràn qua nhà, cuốn trôi trên 50 chiếc xe máy và đồ điện, đồ gia dụng của người dân. Hàng chục hộ dân quanh khu vực cũng bị ảnh hưởng. Rất may không có thiệt hại về người. Còn tại Yên Bái, tình trạng mưa lũ cũng diễn biến phức tạp nên địa phương cũng đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó kịp thời xử lý với các tình huống xấu của mưa lũ. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái nói.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương đang  tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ và kịp thời thông báo tình hình mưa lũ đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; đồng thời đôn đốc các tỉnh thực hiện nghiêm công điện số 12 của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai.

Trước tình hình thiệt hại tại tỉnh Quảng Ninh, các tổ chức, cá nhân đã đăng ký ủng hộ cho người dân Quảng Ninh khắc phục hậu quả sau lũ tính đến thời điềm này đã lên đến gần 55 tỷ đồng.