Y tế công và bài toán giữ chân nguồn nhân lực

(VOH) - Thực trạng chuyển dịch y tế công sang tư đang diễn ra dẫn đến thiếu hụt nhân viên y tế trong lĩnh vực y tế công.Trong bối cảnh chung đó, cần có cái nhìn và chiến lược hành động cụ thể.

Phải có chính sách để giữ chân nguồn nhân lực để họ ở lại cống hiến cho bệnh viện, đồng hành cùng bệnh nhân. 

Theo Bộ Y tế phân tích, có nhiều lý do khiến nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là áp lực công việc cao, cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn. Nguyên nhân thứ hai là thu nhập thấp. Mức lương hiện nay chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống nên khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao gấp 3-4 lần, thậm chí có nơi gấp 5-6 lần.

Điều chỉnh quản trị hệ thống y tế - một giải pháp quan trọng để giữ chân bác sĩ 1
Người dân chờ khám bệnh tại một cơ sở y tế. Ảnh minh họa: PN

Nhìn trên bình diện chung, để tạo cú hích đối với các cơ sở y tế công thu hút nguồn nhân lực, thì giải pháp tổng quát cần bàn luận đó là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống y tế dựa trên nền pháp lý, bao gồm cả chính sách thu hút và giữ chân. Ngay như tại Thành phố, trước việc thiếu hụt số lượng lớn điều dưỡng, Sở Y tế đã kiến nghị UBND Thành phố có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 01/01/2026, và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030. Đồng thời cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần phân tích thêm, đó là hiện nay, đặc thù của y tế công trong quản trị hệ thống đó là bác sĩ kiêm luôn nhà quản lý. Một bác sĩ giỏi thì năng lực phát huy ở lĩnh vực khám chữa bệnh, bệnh nhân sẽ là đối tượng thụ hưởng tuy nhiên, khi đặt với vai trò quản lý giỏi thì chưa chắc vị bác sĩ ấy có thể làm tròn hai vai. Làm sao để cho người bác sĩ giỏi toàn tâm toàn ý trau dồi nghề nghiệp, không vướng bận công tác mua sắm, hay đấu thầu … cũng là một bài toán đặt ra. Hiện nay, khi một thực tế đang diễn ra tại các cơ sở y tế công về mua sắm trang thiết bị rất chậm, thậm chí nhiều nơi không mua được, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tại đơn vị. Khi thiếu thốn máy móc trăm bề, nhiều bác sĩ ra đi cũng vì nguyên nhân đó, họ không phát huy được tay nghề.

Ngay như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Phú Quang – Chủ tịch công đoàn của bệnh viện thẳng thắn nhìn nhận, thiếu máy móc, trang thiết bị thì coi như người thầy thuốc khó lòng phát triển chuyên môn. “Cá không gặp nước” thì chắc hẳn, người bác sĩ cùng sẽ tìm đến một bến bờ khác để phát triển tay nghề của mình: "Tạo điều kiện làm sao làm việc tốt, phát triển được. Và đồng thời chính trên việc phát triển của cái nghề nghiệp của mình phục vụ cho bà con. Đồng thời qua cái đó, trang bị thật tốt để làm sao mình có thể giảm thời gian điều trị, tăng chất lượng điều trị, phục vụ cho xã hội, phục vụ cho mọi người. Và chính đem cái đó lại để phục vụ cho nhân viên. Hiện tại thì Chợ Rẫy đang rất mong muốn làm sao có thể phát triển về mặt trang bị. Tại vì hiện tại anh em cần máy móc để có thể phát triển được để phục vụ cho mọi người, đồng thời phát triển các khoa, phát triển các bệnh viện nhưng mà hiện tại còn vướng về máy móc rất là nhiều".

Liên quan câu chuyện này, Phó giáo sư. Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kể lại, khi nhận lá đơn xin nghỉ của một vị đầu ngành chủ nhiệm bộ môn tại đây, nguyên nhân cũng vì thiếu trang thiết bị máy móc: "Có nghĩa là gì? Trong hệ thống công của mình, không có một cơ chế đúng và đầy đủ để đầu tư được trang thiết bị đúng theo nhu cầu chuyên môn của những chuyên gia người ta cần. Ví dụ như robot, anh đủ năng lực mua robot nhưng mà bây giờ hệ thống của mình về mặt cơ chê mua, cơ chế đặt máy riếc rồi người ta sợ không ai dám làm hết trơn thì bây giờ không có đồ chơi. Chuyên gia mà không có đồ chơi, ví dụ như phi công mà không có máy bay thì làm sao mà bay, thì ảnh nói bây giờ còn mấy năm nữa là ảnh về quê rồi mà bây giờ là ảnh gác kiếm tại vì không có đồ. Đành phải ký cho ảnh nghỉ để ảnh qua bệnh viện tư ảnh làm. Khi bệnh viện tư mời ảnh thì người ta yêu cầu ảnh phải 100% ở bên đây, ảnh về thì người ta mới mua máy".

 Ở góc nhìn của mình, theo bác sĩ Nguyễn Khắc Vui – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, thì mình gắn bó tại một môi trường làm việc, cốt lõi là làm sao phải có động lực từ nơi này: "Tức là môi trường làm việc, chế độ, đào tạo và phát triển cơ sở đó để người ta thấy rằng đây là môi trường làm việc tốt, đây là cơ sở có hướng phát triển, đó là những động lực mà người ta gắn bó".

Ở góc độ nhà quản lý, Bác sĩ Võ Ngọc Cường – Phó giám đốc quản lý điều hành Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết, để nhân viên y tế ở lại với mình thì “nói và hành động phải đi đôi”: "Các anh em y tế khi nói chuyện với nhau thì tôi nói rằng là các anh em ghi nhận đi, các anh em nhớ lời tôi nói đi rồi 3 tháng sau hãy trả lời với tôi, trước khi các em chia tay tôi. Tôi không thể nào giữ chân anh em được bằng lời nói đâu, lời nói của tôi là công việc hôm nay nói ngày mai làm thì như không. Như vậy thì cho tôi 1 tháng hoặc 3 tháng với vị trí đó thì 3 tháng anh hãy trả lời cho tôi là anh đi, tôi không có đền bù gì hết, anh đi vui vẻ. Chỗ nào tốt sẽ giới thiệu luôn. Nhưng mà hãy cho tôi thời gian để xem lời của tôi là đúng hay không. Như vậy giữ chân là định hướng chuẩn, định hướng phát triển tốt của bệnh viện để nhân viên cảm nhận được tương lai ở đây như thế nào".

Hiện nay, nhà quản lý cũng đang ở một thế rất khó, giữa một bên phải giữ chân nguồn nhân lực và một bên là phải tạo điều kiện làm việc cho đội ngũ y tế. Khi mà bài toán mua sắm trang thiết bị còn nan giải thì rất khó. Chính điều này cũng là một trong những nguyên nhân mà nguồn nhân lực ra đi tìm bến bờ mới phát triển tương lai.

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhìn nhận thẳng vấn đề, trong hệ thống công của mình không có một cơ chế đúng và đầy đủ để đầu tư đúng trang thiết bị đúng theo yêu cầu. Nói cách khác, y tế công phải chú trọng đến quản trị bệnh viện: "Giờ bác sĩ, giảng viên của trường trình độ cao trưởng khoa bên bệnh viện mà đành phải bệnh viện tư nhân bởi vì họ đã có điều kiện đầu tư về trang thiết bị nó tốt để người ta thể hiện được. Quay trở lại với y tế công thì phải rạch ròi mọi chuyện ra, đi ở góc độ quản trị bệnh viện. Có nghĩa rằng là nhà chuyên môn họ phải được bơi tắm, thỏa mãn được chuyên môn của họ và các điều kiện để phục vụ chuyên môn của họ. Còn việc đầu tư thì nó phải có hệ thống quản trị để xem xét đầu tư đúng, đủ, đúng quy định pháp luật. Chứ đừng lấy nhà chuyên môn mà họ đi làm thủ tục hành chính, họ không có rành".