Điều chỉnh tiêu chí dự án trọng điểm quốc gia: Nên điều chỉnh ở mức vừa phải

(VOH) - Luật Đầu tư công đã giải quyết được những vấn đề đặt ra như dàn trải, phân tán nguồn lực.

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, sau gần 4 năm thực hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng khoảng 10%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn. Để phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia cần tăng từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng.

Xung quanh nội dung này hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên hành lang quốc hội, PV Ngọc Ánh đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (QH) về vấn đề này. 

Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân - Ảnh minh hoạ: VietnamFinance

VOH: Theo Báo cáo về một số vấn đề lớn về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ đồng lên 35.000  tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Về dự thảo luật đầu tư công sửa đổi, ở điều 7, 8 , 9 dự kiến Ủy ban thường vụ QH sẽ đưa ra để ĐBQH cho ý kiến liên quan đến tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo nhóm A, B, C. Theo tôi luật đầu tư hiện hành năm 2014, lúc bấy giờ dự án trọng điểm quốc gia là 10 ngàn tỷ đồng, tương thích với 0,3% GDP lúc bấy giờ. Trong bối cảnh sau 4 năm thì GDP danh nghĩa tăng trên 66%. Cho nên tôi nghĩ vốn đầu tư nên có sự điều chỉnh, nhưng ở mức độ vừa phải. Tức là thay vì 10 ngàn tỷ mà chúng ta nên là 20 ngàn tỷ, đó là những dự án mà QH sẽ quyết định. Nếu chúng ta không điều chỉnh thì thủ tục bị kéo dài. Khi chúng ta điều chỉnh dự án trọng điểm quốc gia rồi thì chúng ta sẽ điều chỉnh tương tự các dự án nhóm A, B, C sẽ nhân 2, thì như vậy rất gọn. Từ đó thể hiện sự phân cấp cho HĐND các cấp, Chủ tịch UBND các cấp được quyết định nhiều hơn với những dự án tương thích.

VOH: Cũng có ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án trọng điểm quốc gia lên 20.000 tỷ đồng là chưa thỏa đáng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến trên?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tôi nghĩ việc chúng ta điều chỉnh ở đây để phân cấp những dự án lớn với tổng vốn đầu tư 20 ngàn tỷ thì QH sẽ quyết định, dưới 20 ngàn tỷ trở xuống thì Thủ tướng sẽ quyết định chủ trương đầu tư. Và đồng thời điều đó tạo điều kiện cho chúng ta phân cấp cho HĐND cấp tỉnh thành có thể quyết định được những dự án nhóm A từ ngân sách địa phương. Vả lại những dự án gần đây như dự án đường sắt đô thị ở mức rất cao, trên 20 ngàn tỷ đồng, khoảng trên 1 tỷ đô la Mỹ. Và nếu chúng ta để giá trị dự án thấp thì số dự án dồn lên để QH quyết định sẽ nhiều hơn cho nên chúng ta để như vậy là ở mức vừa phải, tương thích với bối cảnh tăng giá và độ lớn của GDP hiện nay.

VOH: Ông đánh giá thế nào về việc Thủ tướng vừa điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương trong nước?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Như kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 thì chúng ta dự trù tổng vốn đầu tư công là 2 triệu tỷ, khoản dự phòng là 200 ngàn tỷ. Cho đến nay chúng ta thấy rằng là đã có những vấn đề phát sinh để mà sử dụng vốn dự phòng này. Do đó Chính phủ đã trình QH danh mục các dự án bổ sung vốn và đầu tư mới. Chúng tôi nghĩ rằng những khoản đó rất cần thiết vì nó liên quan đến biến đổi về khí hậu, liên quan đến giao thông và những dự án trước đây đã được đầu tư nhưng mà còn thiếu vốn thì đó là những vấn đề cần thiết.