Đô thị TPHCM và những dự án nổi bật năm 2012

(VOH) - Là địa phương phát triển năng động nhất nước, trong 37 năm qua, kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM không ngừng phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn để duy trì, phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Năm 2012 dù chịu ảnh hưởng chung của khó khăn kinh tế toàn cầu, thành phố vẫn có những điểm sáng nổi bật trong việc huy động nguồn lực cho hạ tầng đô thị.

Đầu tiên phải kể đến là tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Đây được coi là một trong những bước tiến quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị của TPHCM. Với 2,4 tỷ USD đầu tư, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông trên tuyến xa lộ Hà Nội. Ở khía cạnh kinh tế, tuyến Bến Thành - Suối Tiên sẽ là động lực thúc đẩy cho các quận dọc tuyến như Quận 2, 9, Thủ Đức, TPHCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương giao thương phát triển. Ngoài ra, một số khu vực như Khu Công nghệ cao, Khu Đại học quốc gia, Khu vui chơi giải trí Suối Tiên, Công viên văn hóa lịch sử dân tộc cũng được hưởng lợi từ tuyến đường này. Chính vì vậy mà Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng đánh giá đây là bước đột phá của thành phố:

"Đường sắt đô thị số 1 thể hiện sự quyết tâm rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Đây là dự án quan trọng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 11 cũng như Nghị quyết 13 hội nghị Trung ương 4".


Lãnh đạo TPHCM và Lãnh sự Nhật Bản cùng tham dự lễ khở công tuyến metro - Ảnh:dantri

Một dự án khác cũng rất quy mô được khởi công trong năm 2012 là Cầu Sài Gòn 2. Cầu Sài Gòn hiện hữu đang trở nên quá tải. Chính vì vậy, xây dựng cầu Sài Gòn 2 là bài toán hợp lý nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc, nối liền thành phố với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc.

Không chỉ khởi công xây dựng, với quyết tâm của lãnh đạo thành phố cùng nỗ lực của các ngành các cấp, nhiều công trình trọng điểm được thi công hoàn thành vượt tiến độ, trong đó phải kể đến công trình cầu Rạch Chiếc vượt tiến độ đến 5 tháng. Cầu Rạch Chiếc mới có tổng chiều dài 736m, rộng 48m với 10 làn xe, tĩnh không thuyền ngang là 40m và đứng là 6m. Cầu được thiết kế với tuổi thọ 100 năm. Cầu Rạch Chiếc cũng là một trong những dự án thực hiện thành công mô hình xã hội hóa đầu tư. Khoản đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho dự án được Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM ứng trước và sẽ thu hồi lại dưới hình thức thu phí giao thông xa lộ Hà Nội. Việc khánh thành chiếc cầu Rạch Chiếc mới khang trang hơn, bền vững hơn cũng là sự biết ơn của chúng ta với các chiến sĩ đã hy sinh tại cây cầu này cách đây 37 năm trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đó chính là động lực để các kỹ sư, công nhân phấn đấu đạt được kết quả rất đáng ghi nhận. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nói: "

Cầu Rạch chiếc có ý nghĩ quan trọng. Là động lực đẩy mạnh phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp vùng kinh tế phía Nam góp phần phát triển đô thị TP.HCM từng bước văn minh hiện đại".

Đó là những công trình mang ý nghĩa quan trọng cho chiến lược phát triển bộ mặt đô thị tại các cửa ngõ ra vào TP.HCM. Riêng khu vực trung tâm cũng có những dấu ấn đậm nét trong năm 2012, nổi bật là hoàn tất cải tạo tuyến Hoàng Sa - Trường Sa nằm trong dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng đã xong giai đoạn 1. Đây đã từng là một con kênh đen cùng những căn nhà ven kênh siêu vẹo. Sự tối tăm, bừa bộn đó cũng là môi trường hoạt động lý tưởng cho các loại tội phạm. Để thay đổi điều đó, hơn 314 triệu USD vay từ ngân hàng thế giới và ngân sách thành phố đã được đầu tư để cải tạo dòng kênh cùng 2 tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa chạy dọc đôi bờ. Công trình phục vụ cuộc sống cho hơn 1 triệu bà con trong khu vực kênh Nhiêu Lộc  - Thị Nghè. Sau gần 20 năm chỉnh trang xây dựng, Nhiêu Lộc - Thị Nghè nay đã khác xưa, đáp ứng mong đợi của bà con bao lâu nay. Bà con trong khu vực phấn khởi cho biết:

"Bây giờ con kênh sạch sẽ, cả khu phố thấy vui. Buổi chiều, người dân hay ra tập thể dục. Bây giờ người dân không ra đó bỏ rác nữa, bây giờ đi ngang kênh cũng thấy phấn khởi, cũng thích".

Mỗi năm thành phố lại khởi công, danh sách các dự án quan trọng được khởi công và đưa vào sử dụng lại dài thêm. Các công trình đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong thi công mang lại những công trình đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ và chất lượng. Hàng loạt cây cầu hiện đại như Thủ Thiêm, cầu Tân Thuận, Cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông Tây, Hầm vượt sông Sài Gòn sớm hình thành các đường vành đai, các trục đường xuyên tâm, đường kết nối đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại và các khu dân cư đông dân, dần dần tạo sự đi lại thuận lợi theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam của thành phố, kết nối và tạo tiền đề cho đô thị phát triển nhanh dọc hai bờ sông Sài Gòn. Không những thế, những kết quả này đang góp phần tôn tạo nên vẻ hoành tráng, hiện đại của thành phố mang tên Bác.