Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM lấy ý kiến dự án Luật phá sản sửa đổi

(VOH) - Sáng 3/3, tại TPHCM, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, tòa án Nhân dân tối cao và Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến một số nội dung quan trọng của dự án luật phá sản sửa đổi.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến xung quanh một số vấn đề cần cân nhắc liên quan đến cơ chế Người quản lý tài sản phá sản (hay còn gọi là Quản tài viên). Theo các chuyên gia, Người quản lý tài sản phá sản là khái niệm tương đối mới tại Việt Nam, do đó đề nghị dự luật cần nêu rõ về tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, quyền và nghĩa vụ, điều kiện đăng ký hoạt động, thủ tục đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên, hệ thống tổ chức và quản lý Nhà nước về Người quản lý tài sản phá sản,… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến xung quanh các vấn đề như: quyền hạn của thẩm phán, vai trò của viện kiểm sát, bù trừ nghĩa vụ … Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, đánh giá: “Luật phá sản ra đời được hơn 9 năm nhưng gần 600.000 doanh nghiệp Việt Nam thì chỉ có khoảng 83 doanh nghiệp phá sản chính thức. Như vậy, chúng ta cần làm thế nào để luật phá sản phải sống. Điểm mới của luật phá sản là trước kia thanh lý tài sản xong mới tuyên bố phá sản thì đến nay quy trình của luật mới này phải tuyên bố phá sản rồi mới thanh lý tài sản, thứ hai là định chế quản tài viên chúng ta chưa có”.

Kết quả của hội thảo sẽ góp phần quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật phá sản sửa đổi, sau đó từng bước tiếp tục hoàn thiện căn bản hệ thống pháp luật kinh tế nói chung và luật phá sản nói riêng./.