Đổi thay từ những dòng kênh

(VOH) - Hãy cùng nhìn lại quá trình gian nan đổi màu nước những dòng kênh của chính quyền thành phố, để từ đó chúng ta cùng chung tay gìn giữ môi trường sống cho chính mình và các thế hệ mai sau.

Một ngày tháng 5, bà Huỳnh Thị Âu, nhà ở huyện Nhà Bè nhờ người em trai chở đi công việc ở quận 6. Gần đến xóm cũ, bà thỏ thẻ rằng mình muốn đi qua con đường nơi gia đình mình đã từng sống. Ngạc nhiên nhưng em trai cũng chiều chị. Đến đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nơi trước đây từng là nhà, bà Âu kêu em mình ngừng lại một lát rồi hãy đi.  Đứng trầm ngâm ở vách tường bờ kè nhìn qua bên kia sông, bà không còn nhận ra xóm ổ chuột ngày xưa mà thay vào đó là dãy bờ kè khang trang thẳng tắp, những khóm hoa đã nở bông vàng, bông hường, bông đỏ, thảm cỏ bén rễ xanh rì. Khi biết mình nằm trong diện phải tái định cư nơi khác, bà buồn lắm nhưng bây giờ khi mọi thứ đã lắng lại nhìn lại cảnh quan nơi này, nghĩ về những ngày xưa, bà Âu mỉm cười mừng cho diện mạo thành phố đã đổi thay.

Không chỉ có bà Huỳnh Thị Âu mà bất kỳ người dân nào chúng tôi tiếp xúc đều có chung niềm vui khó tả. Không vui sao được khi mà vào thời điểm hiện nay, hầu hết những hệ thống kênh lớn đều đã được cải tạo lại khang trang, không còn những căn nhà sàn bệ rạc, dột nát. Dân sống ở mé kênh được bố trí vào những khu tái định cư, còn dãy nhà ở phía trên đường thì cũng xây sửa lại, đa số bây giờ trở thành hàng quán kinh doanh, cuộc sống cũng có phần dễ thở hơn trước. Bờ kè sạch đẹp rồi thì vào những buổi sáng sớm hay chiều mát người dân đổ ra đây tản bộ, hóng gió, ngắm cá bơi lội trên sông.

Cũng bởi vì cuộc sống nghèo khổ và môi trường ô nhiễm của người dân dọc theo những con kênh đã khiến cho nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố phải vắt óc nghĩ chuyện đổi thay. Khởi động bằng hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và mốc thời gian là năm 1993. Dòng kênh này dài khoảng 10 km, thời điểm năm 1992 có khoảng 900.000 người dân sống trên địa bàn, chiếm khoảng 25% dân số thành phố. Gần 70% dân cư ở trên và ven kênh là dân vãng lai, không có hộ khẩu, thiếu nhà vệ sinh và nước sạch. Đó chính là những rào cản, bởi đâu dễ dàng thuyết phục họ đi nơi khác để tạo lập lại môi trường, nhất là khi đụng chạm đến miếng cơm, manh áo. Khó lắm nhưng vẫn phải quyết làm, đã có biết bao nhiêu câu chuyện diễn ra, từ khâu đền bù, giải tỏa đến cả quá trình thi công chậm trễ vì nhà thầu kém năng lực. Và rồi tất cả cũng qua, ngày khánh thành kinh nghiệm của Nhiêu Lộc – Thị Nghè chính là bài học quý giá cho các dự án cải tạo kênh rạch về sau.

Một đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm nay đã trong xanh và đường sá, nhà cửa tinh tươm đẹp đẽ - Ảnh: HNMO

Không tham gia vào dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhưng có ròng rã 10 năm trời bám trụ với dự án Tân Hóa – Lò Gốm, ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM vẫn không thể hiểu được tại sao con người có thể sống ở ngay trên đống rác dưới chân mình. Hồi đó, ông đã lặn lội đưa các chuyên gia của ngân hàng quốc tế xuống khảo sát kênh Tân Hóa – Lò Gốm, có những đoạn chẳng cần cầu vẫn có thể đi bộ qua một cách dễ dàng bởi rác đã lấp đầy kênh. Nhìn những căn nhà ổ chuột lụp xụp, hôi hám, những đứa trẻ nhem nhuốc vì ba mẹ bận mưu sinh, nước sông đen ngòm hôi thối, ruồi nhặng bay tứ tung, ai thấy mà chẳng cám cảnh.

Đến lúc bắt tay vào làm cũng gặp muôn vàn khó khăn như những dự án khác, người dân một số cảm thông, số khác thì phản đối nhưng nhờ quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự hiệp lực của các quận 6, 11, Tân Phú, nơi dòng sông đi qua mà đến tháng 4 vừa rồi, dự án cải tạo kênh Tân Hóa – Lò Gốm với tổng vốn đầu tư là trên 162 triệu USD, trong đó, ngân hàng thế giới tài trợ gần 129 triệu USD, cũng đã hoàn thành vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

Kênh Tân Hóa – Lò Gốm dài khoảng 6,8 km, trong đó có khoảng 2,5 km được lắp cống hộp, đoạn còn lại làm bờ kè nắn dòng chảy. Nước kênh vẫn còn đen nhưng mùi hôi thì đã giảm đi đáng kể, chưa kể còn góp phần giảm áp lực giao thông giữa các quận nơi có dòng kênh đi qua. "Với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành tạo cảnh quan hai bên bờ kênh, tăng cường năng lực giao thông, kết nối các hệ thống thoát nước trong khu vực để giải quyết tình trạng ngập úng, giải quyết căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nạo vét, giảm được ô nhiễm thì dịch bệnh ô nhiễm cũng giảm thiểu nhiều lần", ông Lê Thanh Liêm phấn khởi nói. 

Như ông Lê Thanh Liêm đã đánh giá, sự đổi thay này đâu chỉ là ngập úng hay áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn giảm đáng kể, mà các dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, dịch tả, tay chân miệng, tiêu chảy...trước đây người dân sống ở ven kênh rạch thường gặp phải cũng bớt hoành hành. Những căn bệnh này chẳng những ảnh hưởng chất lượng sống mà còn khiến cho ngành y tế phải đau đầu, vất vả chống đỡ. Nhiều gia đình không ngờ được cuộc sống đã no ấm hơn do kinh doanh nhỏ hoặc cho thuê mặt bằng.

Những người dân mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều bày tỏ sự vui mừng trước diện mạo mới của thành phố. Vui thì vui đó, nhưng cũng còn có quá nhiều nỗi lo. Bởi dòng kênh đã xanh nhưng ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn quá kém. Người ta thản nhiên đưa chó đi vệ sinh ở bờ kênh hoặc chỉ cần tổ bảo vệ lơ là thì những hộ dân làm nghề róc vỏ mía, kinh doanh dừa...sẽ hốt đổ xuống kênh. Hoặc nếu những buổi chiều ai đó đi tản bộ trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hoặc kênh Tàu Hũ – Bến Nghé sẽ thấy hàng hà sa số những cần thủ ngồi chờ cá đớp mồi mặc dù ngay gần đó có biển cấm câu cá. Chưa kể, dòng kênh đã thông, nước đã bắt đầu trong hơn và từng đàn cá tìm về sinh sôi nhưng vẫn còn rất nhiều người mỗi tối tụ tập ven bờ ăn uống nhậu nhẹt xong, thu dọn chiến trường và quẳng xuống kênh. Đây đó đã có hiện tượng hàng loạt cá chết phơi bụng...

Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều người không khỏi bày tỏ sự lo lắng bao lâu nữa dòng nước sẽ trở lại đen ngòm, nhếch nhác như xưa? Rõ ràng những khối bê tông cốt thép kè bờ, những hàng rào che chắn... chỉ mới là phần cứng, còn phần mềm chính là ý thức của mỗi người dân, rất có thể những con kênh rồi sẽ lại tổn thương thêm lần nữa trong một ngày không xa?