Đón tết cùng những người đi tìm lại tuổi xuân

(VOH) - Ngược những con đường trải nhựa ngoằn nghèo lọt thỏm trong những lô cao su, những rẫy điều bạt ngàn, chúng tôi về thăm Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội đặt tại xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Không có nhiều sắc màu đỏ rực hay sắc vàng của ngày Tết, cuộc sống của những người dân nơi đây nằm ngoài những náo nhiệt, hối hả của ngày Tết.

Những ngày cận tết, chúng tôi tìm đến Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Bảo trợ Phú Văn, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Đức, Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh, Trung tâm Bảo trợ Bình Đức  - thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM.

Học viên là người phạm pháp, nhiễm HIV, nghiện ma túy, người ăn xin, tâm thần được đưa về đây cải tạo, chữa trị và giáo dục nhằm tái hòa nhập cộng đồng.

Học viên tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Đức nhận quà tết (ảnh minh họa: chuahoangphap)

Từng có thời gian dài nghiện ma túy, Đặng Phú Quý, sinh 1972, ở quận 11, TPHCM tưởng không còn cơ hội làm lại cuộc đời. Sau gần 3 năm cai nghiện, anh đã “dứt” được ma túy. Kết quả này một phần chính là anh được tạo công ăn việc làm ổn định.

Quý kể, những năm học tập và cai nghiện tại trường tết không được về đoàn tụ gia đình cảm giác buồn lắm. Song với quyết tâm làm lại cuộc đời, trở về với gia đình và xã hội, Quý nỗ lực học lấy một nghề để sau này có cuộc sống tốt hơn:

“Tết, mẹ với mấy chị có gọi điện chúc tết và động viên em cố gắng giữ gìn sức khỏe. năm mới mà phải xa gia đình em buồn nhưng ở đây các anh cũng động viên em cố gắng”.

Vũ Thị Thúy, 31 tuổi được đưa vào Trung tâm giáo dục lao động – bổ trợ xã hội đã 9 tháng nay kể từng câu đứt quãng: do ít học, nghe bạn bè rủ rê nghiện ma túy lúc nào không hay. Không có tiền thỏa mãn những cơn ghiền, điều gì đến đã đến, chị đi bán vốn tự có... Cha mẹ thấy con như vậy đau buồn mà lần lượt qua đời, không còn người nhắc nhở nên đã lún sâu vào bùn lầy, thậm chí cả khi đã lấy chồng, có con vẫn không thể từ bỏ được ma túy.

Sau gần một năm cai nghiện, được học văn hóa, tham gia nhiều hoạt động, Thuý khát khao được hoàn lương, trở về gia đình:

“Em muốn về lại với đời để làm cái gì đó để nuôi con, chứ không nghĩ đến chơi bời nữa, phấn đấu để làm một người tốt. Tết thì chở con đi chơi, đêm giao thừa thì chở đi coi bắn pháo bông. Rồi chúc Tết với gia đình nhà chồng. Đây cũng sẽ là một bài học để em bước ra xã hội rộng lớn”.

Lãnh đạo Trung tâm Phú Nghĩa trò chuyện với học viên (ảnh: QĐND)

Tuy không được về nhà đón tết vì trong thời gian cải tạo nhưng không khí tết tại các trung tâm cũng rộn ràng, ấm cúng. Ông Đỗ Thế Minh – giám đốc Trung tâm bảo trợ lao động – xã hội Phú Văn, cho hay: “Những ngày Tết thì chế độ, khẩu phần ăn của những người nghiện cao hơn so với ngày thường. Bình quân mỗi học viên thêm 30 ngàn đồng. Riêng giải trí tinh thần thì có hội thi theo truyền thống dân tộc như thi táo quân, thi múa lân, kể chuyện truyền thống, sinh hoạt cờ tướng, các môn thể thao. Đối với trường hợp nguyện vọng xin về phép thì trung tâm giải quyết phép tức là cho thân nhân lên đón, đồng thời trường hợp khó khăn có hỗ trợ tiền xe”.

Không chỉ học viên ăn tết xa nhà, đồng hành với họ là đội ngũ đông đảo cán bộ nhân viên làm việc tại các Trung tâm cũng lặng lẽ đón xuân. Có người hơn chục năm không về quê ăn Tết. Ông Ngô Quang Mạnh – quê Thái Bình – Trưởng phòng Giáo dục Hòa nhập Cộng đồng Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh, tâm sự: “Thời gian công tác 11 năm thì cũng là 11 cái Tết xa nhà. Vì nhiệm vụ chung, vì sự bình yên của TP thì mình sẵn sàng ở lại trung tâm với học viên để các bạn đỡ nhớ nhà”.

Nguyễn Thị Sen làm việc tại Bộ phận văn phòng Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Đức, đã 2 năm không về Nghệ An ăn Tết. Khi nhắc đến Tết quê, chị không giấu được nước mắt xúc động: “Buồn nhất là giờ giao thừa, vì ở quê thì lúc đó có anh em, bố mẹ. Thắp nhang giao thừa xong thì đi chùa, đi đền này nọ nhưng cảm giác lúc đó gia đình gọi về nói: “cả nhà đang ở đây hết mà không có con” lúc đó nước mắt lại lăn dài nhưng vì công việc.

Buồn vì không được gần nhà nhưng ở đây cũng có những anh chị em mảnh đời bất hạnh, người ta không có gia đình thì mình vào đây cũng một phần cống hiến để chăm lo anh em”.

Một mùa xuân mới đang về, mang theo hy vọng về nỗ lực hoàn lương của người nghiện ma túy. Còn với  các cán bộ đang làm việc tại các trung tâm cai nghiện, bảo trợ xã hội khu vực Phú Văn mùa xuân chính là trả lại cho xã hội những con người lành lặn cả về thể chất lẫn tinh thần.