Đồng hành cùng sự phát triển của TPHCM

(VOH) - Với niềm tự hào đã tạo động lực những thanh niên thế hệ 1975 phấn đấu và cống hiến cho đất nước và cho xã hội.

Đất nước đang bước vào mùa xuân mới: xuân Ất Mùi 2015. Đây cũng là năm đánh dấu cho chặng đường 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước. Bốn mươi mùa xuân qua, thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu đã có bước phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, trở thành đầu tàu, trung tâm kinh tế-văn hóa của cả nước. Đồng hành cùng sự phát triển của thành phố trong 40 năm qua, có một thế hệ thanh niên được sinh ra vào năm 1975 và đã trưởng thành.

 
Công trình Hầm Thủ Thiêm - hầm vượt sông Sài Gòn . (ảnh: baodanviet)

Với anh Trần Thanh Cường - hiện là bác sỹ Bệnh viện Tân Hưng, Quận 7, được sinh ra vào đúng năm đất nước được giải phóng và thống nhất, đó là niềm tự hào của không chỉ bản thân anh mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình và người thân. 

Với sự nỗ lực học tập và nghiên cứu khoa học, đến nay anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến quy trình khám bệnh, hạn chế thời gian chờ đợi làm thủ tục của bệnh nhân, giúp tăng năng suất làm việc. Nhờ vậy, lượng bệnh nhân được khám đã tăng gấp 2 đến 3 lần trước đó. Anh đã vinh dự được nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2009. Ngoài ra, anh còn tham gia nhiều hoạt động công tác từ thiện xã hội, chữa bệnh miễn phí cho nhiều người nghèo. Bác sĩ Trần Thanh Cường, cho biết: "Tất cả các phong trào nào liên quan đến y tế, là mình sẽ vận động hết sức mình, để kiếm được càng nhiều chi phí để lo cho người dân. Bản thân mình quan niệm rằng làm nghề y mình muốn góp sức mình để cứu chữa được càng nhiều người càng tốt. Mình biết được nguồn nào hỗ trợ được cho người dân thì mình sẽ làm, cố gắng giúp được bao nhiêu thì giúp để đem lại hạnh phúc và sức khỏe cho người dân".  

Được sinh ra sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất cách đây 40 năm chính là niềm tự hào với Trung tá Lê Văn Thiệu-Trưởng khoa Nghiên cứu Khoa học, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TPHCM. Với nỗ lực của bản thân, cộng với niềm đam mê tìm hiểu nghiên cứu, những năm qua, Trung tá Lê Văn Thiệu đã có nhiều sáng kiến cho công tác giảng dạy của ngành công an. Nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ của anh đạt loại xuất sắc, có tính ứng dụng thực tiễn trong hoạt động của ngành. Tiêu biểu như: “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng sưu tra lưu động của Công an các tỉnh, thành phố phía Nam năm 2007”; đề tài: “Tội phạm trộm cắp xe gắn máy có tổ chức trên địa bàn các tỉnh, thành phố phía Nam - thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa đấu tranh” năm 2000. Anh còn vinh dự được trao tặng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì, cùng nhiều bằng khen khác.

"Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, thì mình cũng mong muốn đóng góp một phần nào đó công sức. Cố gắng tìm ra phương pháp nào đó để giúp cho việc ổn định trật tự xã hội, cố gắng đào tạo cho sinh viên có bản lĩnh chính trị, kiến thức về nghề nghiệp, về pháp luật để bảo vệ trật tự xã hội tốt hơn. Mình biến sự tự hào đó thành những hành động cụ thể", Trung tá Lê Văn Thiệu bày tỏ.

Còn anh Đoàn Ngọc Hiệp - giảng viên Khoa quy hoạch, Đại học Kiến trúc TPHCM thì kể rằng, anh được sinh vào buổi trưa ngày 30/4/1975, khi ấy tin thắng trận vang vọng khắp nơi. Lúc anh cất tiếng khóc chào đời thì niềm vui như vỡ òa trong ngôi nhà nhỏ hòa chung với tin đất nước toàn thắng. Vì thế mà khi lớn lên, anh càng yêu hơn thành phố quê hương mình. "Đất nước yên ắng như vậy để những người làm công tác chuyên môn, các nhà khoa học, thế hệ thanh niên làm việc, thì mình cũng mừng, cũng yên tâm làm việc, và làm được nhiều thứ. Mình cũng tin là đô thị Việt Nam, kiến trúc Việt Nam ngày càng tốt hơn. Kiến trúc sư cũng phải nỗ lực hơn để có được chuyên môn tốt hơn và mình nghĩ phải cố gắng hết sức để làm tốt hơn", anh Hiệp nói.

Có thể nhận thấy, với niềm tự hào đã tạo động lực những thanh niên thế hệ 1975 phấn đấu và cống hiến cho đất nước và cho xã hội. Tinh thần xung kích của thế hệ tuổi 40 đang độ chín của đời người đã thật sự góp phần làm nên vẻ đẹp vào sự phát triển của TPHCM  hôm nay và mai sau.