Đốt hầm Thủ Thiêm thứ nhất đã về đích

(VOH) - 5h50 sáng ngày 7-3, khi màng sương còn bao phủ sông Đồng Nai thì các nhân viên kỹ thuật đã bắt đầu cho một trong những công đoạn quan trọng nhất của việc thi công hầm vượt sông Sài Gòn. Đó là kéo đốt hầm từ bể đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai về vị trí dìm tại Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM.

Dù hôm trước, các đơn vị đã tiến hành diễn tập nhưng sáng qua công việc vẫn phải chậm hơn nửa tiếng so với kế hoạch. Điều này nói lên phần nào công việc phức tạp và khó khăn này.

 

Lai dắt đốt hầm số 1 vào hầm phía Thủ Thiêm. Ảnh: Cao Thăng - SGGP

Các ca nô của các cơ quan bảo vệ an toàn hàng hải liên tục lượn vòng để bảo đảm an toàn, trực thăng cũng bay lượn trên không để quay phim toàn bộ quá trình lai dắt và cho chìm hầm.

Đúng 7h30 phút, phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài, trưởng Ban chỉ đạo Lai dắt và Lắp đặt các đốt hầm vượt sông Sài Gòn, còn gọi là hầm Thủ Thiêm nổ phát súng lệnh, 4 con tàu thuê từ Thái Lan bắt đầu kéo đốt hầm rời khỏi vị trí và từ từ tiến về TPHCM. Theo dõi quá trình này còn có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Hồng Quân và chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân.

Ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch thường trực UBND TP cho biết: Hầm không có bánh lái. Vì vậy để việc lai dắt đi đúng lịch trình là công việc không hề đơn giản. Vì lẽ đó để đưa đốt hầm về vị trí thành công, thành phố đã tập trung chỉ đạo cho các đơn vị thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đã đề ra.

Khoảng 9 giờ đoàn lai dắt bắt đầu tiến vô cửa sông Sài Gòn. 10 giờ đoàn bắt đầu đi ngang qua cầu Phú Mỹ. Để đảm bảo an toàn, UBND TP cấm lưu thông trên cầu Phú Mỹ trong vòng 1 tiếng đồng hồ khi đoàn đi qua. Và sớm hơn dự kiến lúc 1 giờ, vượt qua 22 km, đốt đầu tiên trong tổng số 4 đốt hầm đúc tại Nhơn Trạch đã về đến đích an toàn.

Theo thiết kế thì mỗi đốt hầm có chiều dài 92,4m, cao 9,1 m, rộng 33,3m, nặng 27.000 tấn. Sự đồ sộ của nó khi di chuyển trông giống như một tòa nhà trên sông. Lúc 12h45, cách đích đến khoảng 30 mét tốc độ di chuyển có thể tính bằng centimex, hơn chục hoa tiêu đứng trên tháp định vị cao 26 mét đặt ngay trên đốt hầm liên tục thao tác điều chỉnh góc, hướng đi của đốt hầm. Đúng 14 giờ thì đốt hầm được xoay để đưa vào vị trí định sẵn. Gương mặt các kỹ sư, công nhân như giãn ra chút ít. Ông Nguyễn Đỗ - kỹ sư trưởng Công ty Obayashi – đơn vị thi công lai dắt nói:

Dưới sông căng thẳng là vậy, ở trên bờ bà con đứng xem cũng không khỏi vui tươi pha lẫn hồi hộp. Dù trời nắng gắt, hai bên bờ sông Sài Gòn, vẫn có rất đông bà con chăm chú theo dõi sự kiện. Bác Phạm Văn Hoàng, 76 tuổi cho biết: qua báo đài tôi biết đốt hầm rất lớn. Nhưng nhìn thực tế nó lớn hơn suy nghĩ của tôi rất nhiều. Bác Hoàng phấn khích nói:

Hầm Thủ Thiêm là công trình thuộc dự án Đại lộ Đông Tây có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Đây là đường hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Như vậy là đốt hầm đầu tiên đã về đích an toàn.

Để dìm hầm, người ta phải đào sâu xuống lòng sông 12 mét. Vào hôm nay 8-3, nhà thầu Obayashi sẽ nhấn chìm đốt hầm này. Theo chủ đầu tư, đốt thứ nhất là quan trọng nhất và sẽ hoàn thành các đốt còn lại trong 3 tháng nữa, dự kiến mỗi tháng chỉ dìm được 1 đốt.

Đình Sang - Viễn Phương