Du lịch Tây Bắc – chưa khai thác hết tiềm năng

(VOH) - Sáng 23/11, gần 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan trung ương và 14 tỉnh vùng Tây Bắc, nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại TPHCM tham dự hội nghị quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch vùng Tây Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc và UBND TPHCM phối hợp tổ chức. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vùng Tây Bắc ưu tiên đầu tư phát triển 12 khu du lịch quốc gia, 4 điểm du lịch và đô thị du lịch Sa Pa. Hiện, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch, UBND các tỉnh đang quy hoạch nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp.

Vấn đề của vùng Tây Bắc là hoàn thiện hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ. “Tiểu vùng Tây Bắc bao gồm Hoà Bình, Điện Biên, Sơn La và Lai Châu hiện có giao thông khó khăn nhất. Du khách phải đi 5-6 tiếng mới đến trung tâm TP Sơn La. Mong muốn lớn nhất là giao thông đến các xã. Đặc biệt là sân bay đã có, chỉ nâng cấp ! " Nhận định của ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Các doanh nghiệp tại TPHCM ký kết hợp tác với các tỉnh vùng Tây Bắc

Theo Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần đánh giá toàn diện, có chiều sâu về tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc: “Chúng ta cần cơ chế, chính sách đầu tư cho du lịch thông thoáng hơn, xã hội hoá mạnh nguồn lực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực. Các Bộ, các tỉnh liên quan đến vùng Tây Bắc cần hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các điểm, các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc sắc của địa phương, giữ gìn văn hoá địa phương. Đây là thế mạnh mà các vùng khác chưa có, nhất là văn hoá của 32 dân tộc anh em là một sự thu hút rất lớn”

Tại hội nghị, tỉnh Bắc Cạn trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), đồng thời doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài nước tại TPHCM ký kết đầu tư, hợp tác với các tỉnh vùng Tây Bắc.