Đưa đường sắt cao tốc vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)

(VOH) - Nhằm đáp ứng yêu cầu về chính sách phát triển, các quy định cụ thể về đường sắt cao tốc đã được đưa vào dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi).

Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu thảo luận tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) được Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức vào chiều 22/9.

Đường sắt hiện chiếm rất ít thị phần vận tải hành khách trên cả nước. Ảnh: baodautu

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 95 điều. Đa số các đại biểu tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Đường sắt hiện hành, qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông đường sắt theo hướng hiện đại, đưa đường sắt VN phát triển xứng tầm với vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của ngành, nhất là công tác đầu tư để đưa giao thông đường sắt thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay. 

Có ý kiến đề nghị cần bổ sung rõ và chi tiết hơn về vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt; cụ thể thêm về cơ chế hỗ trợ và ưu đãi đối với lĩnh vực đầu tư, kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải và phát triển công nghiệp đường sắt; đồng thời tiếp tục rà soát để tránh sự chồng chéo với các luật khác. 

Các đại biểu cũng tán thành việc cần thiết có quy định về đường sắt tốc độ cao (chương 8), tuy nhiên cần nghiên cứu thêm về quy định cụ thể, chi tiết hơn, qua đó khai thác thực sự hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư lớn nhưng khai thác không tương xứng.

Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa 14 xem xét tại kỳ họp thứ 2 tới đây.

Thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương

Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, cũng sáng nay, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Thảo luận về dự án Luật, các đại biểu cho rằng, hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương, giải quyết tranh chấp về ngoại thương… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, theo dự án Luật hiện nay thì thẩm quyền của Bộ Công Thương là quá lớn, nhưng lại không đề cập đến sự giám sát, minh bạch, công bằng vấn đề ngoại thương để tránh tình trạng lạm quyền, ban phát, xin cho.