Ghi số CMND phụ huynh vào toa thuốc trẻ dưới 6 tuổi: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

(VOH) - Có hiệu lực từ ngày 1/3/2018, Thông tư 52 quy định cần phải điền số CMND, số căn cước của cha mẹ, người giám hộ của trẻ dưới 6 tuổi vào toa thuốc.

Có hiệu lực từ ngày 1/3/2018, Thông tư 52 quy định kê đơn thuốc ngoại trú chính thức có hiệu lực, theo đó Bộ Y tế thêm quy định với trẻ dưới 6 tuổi cần phải điền số chứng minh nhân dân, số căn cước của cha mẹ, người giám hộ của trẻ vào toa thuốc.

Việc bổ sung quy định này được Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế lý giải nhằm quản lý tốt việc kê đơn thuốc, khống chế việc mua bán, lạm dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ. Quy định là vậy, tuy nhiên, trên thực tế vẫn rất khó để áp dụng.

Theo ghi nhận của phóng viên VOH vào sáng 6/3 thì các bệnh viện có khoa nhi hay các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn thành phố vẫn chưa áp dụng.

ghi số chứng minh nhân dân vào toa thuốc của trẻ dưới 6 tuổi

Thông tư 52 quy định kê đơn thuốc ngoại trú với trẻ dưới 6 tuổi cần phải điền số chứng minh nhân dân, số căn cước của cha mẹ, người giám hộ. Ảnh: TTO

Phụ huynh Nguyễn Mỹ Xuân, ngụ Quận 6 có con dưới 2 tuổi, do bé còn nhỏ, lại ốm yếu nên rất hay đi bệnh viện. Khi nhận được tin có quy định này, với tâm trạng mẹ có con nhỏ, chị bức xúc không chấp nhận vì thấy rất không cần thiết. Còn nếu cho rằng áp dụng quy định này để kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ, thì càng không ủng hộ.

"Con mình đang bệnh mình xót con đưa đi gấp thì đâu còn nhớ chứng minh nhân dân của mình mà mang theo, nói chi của chồng càng không thể, mà gọi điện về nhờ người nhà lại không nhớ. Hơn nữa, tôi nghĩ trong bệnh viện nếu người bác sĩ có tâm đâu ai cho kháng sinh liều lượng lớn được. Còn ở nhà thuốc, cha mẹ cũng cân nhắc đâu ai mà nhắm mắt mua kháng sinh cho con mình", chị Xuân phân bua.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp – Bệnh viện Nhi đồng 1 phân tích, ở góc độ bác sĩ điều trị trực tiếp cho trẻ thì quy định này không thực tế: "Tôi thấy càng phiền hà thêm. Các nước khác đâu có ai làm chuyện đó ngay cả những nước có nền công nghiệp hóa cao, toàn bộ đều vô một thẻ duy nhất, tích lũy vô một thẻ rồi khi đi khám chỉ cần quẹt thẻ thôi, việc quy định này thì phiền hà vô cùng và không thực tế".

Tại Bệnh viện Quận Bình Tân, bệnh viện tuyến quận, huyện có chuyên khoa nhi quy mô lớn, bác sĩ Nguyễn Văn Mười – Giám đốc Bệnh viện Quận Bình Tân chia sẻ vẫn chưa nhận được văn bản để triển khai thực hiện mà bản thân nhận thấy quy định này rất bất hợp lý không chỉ cho phụ huynh mà ngay nhân viên y tế hiện đã phải mất rất nhiều thời gian cho các quy định khám chữa bệnh khác, thay vì để dành thời gian để bác sĩ khám, tư vấn cho bệnh nhi.

"Ở bệnh viện cấp cứu nhi, nội trú nhi một ngày tiếp nhận gần 200 bệnh nhân, khi vào khám, bác sĩ không chỉ khám mà theo quy định bảo hiểm còn phải làm nhiều việc như lên mạng xem rà hết có trùng toa hay không, bệnh nhân đã đi khám ở đâu chưa… Xong rồi mới cho toa thuốc, nhiêu đó cũng đã rất mất thời giờ rồi đừng nói đến việc khám lâu", bác sĩ Mười cho biết.

Là bác sĩ có thâm niên lâu năm khám, điều trị bệnh cho trẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, quy định này không thể áp dụng vì xét cho cùng mối quan hệ khám bệnh giữa thầy thuốc và bệnh nhi không mang tính pháp lý gì mà phải bắt buộc điền số chứng minh nhân dân của phụ huynh. 

Bác sĩ Khanh nói:, "khó áp dụng, bệnh nhân đâu biết, đâu nhớ mà ghi và ghi biết đúng hay sai. Việc này cũng đâu mang tính pháp lý đâu mà phục vụ, đâu phải vì quyền lợi gì đặc biệt. Cách này cũng không có giá trị trong giám sát kê đơn, sử dụng kháng sinh vì có hay không có chứng minh nhân dân người ta vẫn mua và bán kháng sinh".

Rõ ràng thời gian qua, y tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang nỗ lực thực hiện cải cách các thủ tục hành chính, giảm phiền hà tiến đến sự hài lòng của người bệnh. Vậy nên, nếu bắt buộc áp dụng quy định này vì mục tiêu giám sát, quản lý thuốc kê đơn, khống chế lạm dụng kháng sinh ở trẻ dưới 6 tuổi thì câu chuyện thực tế sẽ rất không khả thi, cả phụ huynh và nhân viên y tế phải mất sức cho những chuyện không đáng, không khéo ngành y tế lại rơi vào cảnh “trống đánh xuôi mà kèn vẫn thổi ngược”.