Gia Lai quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội

(VOH)-Tỉnh Gia Lai tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ ngay từ ngày đầu của năm,phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2019 của Tỉnh.

Năm 2018, dự kiến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đề ra và tiếp tục tăng cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu đều tăng; các dịch vụ tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải, bảo hiểm, viễn thông, du lịch tiếp tục phát triển; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán Trung ương giao và tăng so với cùng kỳ.

Trung tâm tỉnh Gia Lai

Công tác cải cách hành chính và hoạt động xúc tiến đầu tư được quan tâm chỉ đạo; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế của Tỉnh đạt kết quả khá. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn được tiếp tục triển khai đúng hướng và hiệu quả, triển khai tiếp cận trong lĩnh vực đất đai bảo đảm tính minh bạch. Công tác dân tộc và các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, gia đình chính sách được quan tâm và có bước tiến bộ, hộ nghèo giảm mạnh. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh có tiến bộ, được giữ vững, ổn định.

Bên cạnh kết quả đạt được, Gia Lai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp; số lượng doanh nghiệp chưa nhiều và còn ít doanh nghiệp lớn mạnh; tổ chức sản xuất chưa lớn. Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vẫn chậm được cải thiện nâng cao vị trí trong bảng xếp hạng chung cả nước. Cải cách hành chính chưa hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà; chưa quan tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực của Tỉnh còn hạn chế, cần tập trung giải quyết việc làm tại vùng nông thôn. Tỷ lệ người nghèo còn cao. An ninh chính trị còn tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định.

Để khắc phục những hạn chế trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Gia Lai cần rà soát việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tổng hợp những nhiệm vụ đã triển khai để tiếp tục hoàn thành các giải pháp đã đề ra, phấn đấu hoàn thành toàn diện và với mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2018; tập trung triển khai thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ ngay từ ngày đầu của năm, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Tỉnh, tạo tiền đề hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020; đóng góp vào thành quả chung của cả nước.

Đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm những khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Tập trung vào ba hướng lớn: hiện thực hóa các dự án công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, chế biến sâu nông, lâm sản; phát huy cơ hội lợi thế về du lịch của Tỉnh, đặc biệt dịch vụ du lịch sinh thái để du lịch có đóng góp tích cực, quan trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp như chế biến công nghệ cao, năng lượng tái tạo...

Cùng với đó là thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ; sản xuất gắn liền với chế biến. Phát huy thế mạnh về tài nguyên đất đai, tập trung phủ xanh rừng; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Từng sở, từng cơ quan, huyện, xã theo phân cấp phải làm tốt hơn nữa, nhất là tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy thế mạnh của tỉnh.

Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, công khai minh bạch tốt hơn nữa, cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị hành chính công; rà soát quy hoạch kết cấu hạ tầng, kiểm soát không để nợ xấu phát sinh. Quản lý chặt chẽ, đúng quy định của Nhà nước, sử dụng hiệu quả ngân sách. Trong đó, xã hội hóa mạnh mẽ, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư trong tất cả các hệ thống kết cấu hạ tầng.

Thực hiện tốt an sinh xã hội, các chế độ chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; chú ý giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, đặc biệt an ninh biên giới; tiếp tục trấn áp tội phạm, băng nhóm xã hội đen; bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; tăng cường năng lực nguồn nhân lực các cấp, phát huy tối đa vai trò của giáo dục, đào tạo, bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc thù địa phương./.