Giải pháp cho thực phẩm an toàn

(VOH) - TPHCM hiện có hơn 27.000 cở sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm. Thành phố đang quản lý 154 cơ sở cung cấp thức ăn sẵn và hơn 2.000 bếp ăn tập thể; hơn 13.000 cơ sở dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, có khoảng hơn 27.000 điểm thức ăn đường phố…

Thành phố phấn đấu đến năm 2015, 85% lượng thực phẩm tiêu dùng sẽ đảm bảo rõ nguồn gốc và an toàn. Ảnh: antuongviet

Để quản lý nguồn thực phẩm cung ứng cho thành phố đảm bảo chất lượng, an toàn, thành phố đã xây dựng đề án với mô hình điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn. Theo đó, mô hình này sẽ giám sát và đảm bảo chất lượng thực phẩm các loại: nông sản, thực phẩm, đảm bảo truy được nguồn gốc thực phẩm… nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh trên động vật, thực vật… và xây dựng chất lượng nông sản thực phẩm Việt Nam.

Thành phố đặt mục tiêu, đến cuối năm 2012, tổng sản lượng nông sản thực phẩm thuộc chuỗi lưu thông trên thị trường phải đạt chất lượng trên 50%. Mặt khác, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cũng sẽ tầm soát việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong thực phẩm. Hiện thành phố có khoảng 43 cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Từ đầu năm đến nay, ngành y tế cũng đã lấy mẫu từ các cơ sở để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, có khoảng 20% không đạt yêu cầu, rơi vào các mặt hàng: ô mai, xí muội… 

Ngoài ra, thành phố cũng đã thanh tra 47 cơ sở, bao gồm cả cơ sở bán chui, bán lậu không phép. Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã tịch thu tiêu hủy gần 700 kg phụ gia hết hạn; thu giữ hơn 200 kg xí muội nhiễm chì, đường hoá học. Trước đó, UBND TP cũng đã kiến nghị Bộ Y tế xem kinh doanh phụ gia thực phẩm là một ngành nghề có điều kiện, không được kinh doanh chung với các hóa chất phụ gia công nghiệp. Và người kinh doanh mặt hàng này phải có trình độ nhất định để hướng dẫn người mua về sử dụng, vì có những hóa chất phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép nhưng sử dụng quá liều lượng cho phép sẽ nguy hại đến sức khỏe. Đối với hơn 27.000 điểm bán thức ăn đường phố, thành phố cũng đã nhắc nhở, hướng dẫn, tạo điều kiện để những hộ kinh doanh này bày bán hợp vệ sinh. Nói về nỗ lực của thành phố trong việc quản lý các điểm bán thức ăn đường phố, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết:

Về phía lực lượng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, Ông Nguyễn Trung Bính - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường cùng cơ quan liên ngành đã kiểm tra trên 4.000 vụ trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, đã xử lý trên 3.000 vụ, tạm giữ hàng hóa trên 600.000 sản phẩm các loại. Ngoài ra, lực lượng liên ngành cũng đã tập trung kiểm tra các điểm nóng kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo ông Bính, một số đối tượng bị tạm giữ hàng hóa đã chống đối rất quyết liệt. Có trường hợp đối tượng chở gia súc đi tiêu thụ, nhưng khi lực lượng kiểm tra liên ngành hỏi, thì họ trả lời lòng vòng nên rất khó điều tra để xác minh nguồn hàng sẽ giao nhà hàng, khách sạn, quán ăn nào tiêu thụ. Khi nắm tình hình và  nghe phản ánh một số cơ sở chăn nuôi dùng chất kích thích tạo nạc, nhất là chăn nuôi heo, lực lược chức năng đã chốt chặn và siết chặt công tác kiểm tra nguồn thực phẩm “tuồn” vào thành phố. Lực lượng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng lực lượng liên ngành đã kiểm tra 7 cơ sở, và đã lấy 12 mẫu để kiểm nghiệm, đồng thời đã chuyển đến cảnh sát môi trường xử lý trên 20 tấn sản phẩm “có vấn đề”. Ông Nguyễn Trung Bính - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường nói:

Trên thực tế, TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn, nhưng chỉ tự cung ứng khoảng 20% nông sản, 80% còn lại phải nhận từ các tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm,  Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố, cùng các chi cục, doanh nghiệp, siêu thị cũng đã tiếp cận trao đổi thống nhất với các tỉnh để ký kết cung ứng nguồn thực phẩm, nông sản đảm bảo chất lượng. Theo đó, thành phố đã ký kết với 5 tỉnh về sản phẩm chăn nuôi, 13 tỉnh về sản phẩm thủy sản, và 4 tỉnh về sản phẩm rau sạch… Ông Nguyễn Phước Trung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố nhận định:

Thành phố cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2015, 85% lượng thực phẩm tiêu dùng chủ yếu ở thành phố sẽ đảm bảo rõ nguồn gốc và an toàn. Và đến năm 2020, nguồn thực phẩm này sẽ đạt 100% nguồn thực phẩm an toàn. Để đạt được chỉ tiêu, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh:

Hiện thành phố đã có đề án huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng giám sát, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường kinh phí cho các lực lượng thanh tra, kiểm tra và đầu tư phương tiện kiểm tra nhanh cho các chợ đầu mối./.