Giải pháp tích hợp cho tuyến đường sắt đô thị

(VOH) - Tương lai, TPHCM dự có kiến 8 tuyến tàu điện ngầm, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc monorail. Vấn đề đặt ra là sự kết nối của tuyến đường sắt đô thị với hệ thống giao thông hiện hữu của TP.

Mô hình tuyến đường sắt đô thị số 1. (ảnh LĐO)

Theo ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TPHCM  " Hệ thống đường sắt đô thị TPHCM dự kiến gồm 8 tuyến tàu điện ngầm, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc motorail với tổng chiều dài khoảng 229 km. Tuyến Metro số 1 sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản đã chính thức khởi công vào tháng 8 năm 2012 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vận hành vào năm 2020. Tuyến Metro số 2 và số 5 đang trong giai đoạn lập thiết kế. Các tuyến còn lại đang kêu gọi đầu tư”.

Để hệ thống đường sắt đô thị vận hành an toàn và đồng bộ với hệ thống giao thông thành phố, giải pháp tích hợp hệ thống thông tin tín hiệu là hết sức cần thiết. Đây là giải pháp công nghệ tiên tiến, cần sự hỗ trợ và hợp tác của các đơn vị nước ngoài về công nghệ và vốn đầu tư. Ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TPHCM nhận định : “Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu “Giải pháp tích hợp hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển trung tâm cho các tuyến đường sắt đô thị thành phố” là dự án thứ 3 được Cơ quan Phát triển và Thương mại Hoa Kỳ viện trợ không hoàn lại tại TPHCM. Dự án sẽ góp phần quan trọng giúp TPHCM triển khai thành công dự án đường sắt đô thị”.

Dự án “Giải pháp tích hợp hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển trung tâm cho các tuyến đường sắt đô thị thành phố” có tổng giá trị hơn 1,5 triệu USD, trong đó Cơ quan Phát triển và Thương mại Hoa Kỳ (USTDA) sẽ tài trợ không hoàn lại 900.000 USD và công ty Cisco sẽ đóng góp hơn 557.000 USD để thực hiện các hoạt động tư vấn nghiên cứu. Mục tiêu của dự án là xây dựng tầm nhìn chiến lược và thiết kế để kết nối hệ thống thông tin tín hiệu trong hệ thống đường sắt đô thị, qua đó đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh doanh, khả năng quản lý thông suốt, khả năng nắm bắt nhu cầu cũng như kế hoạch vận hành cho toàn hệ thống tuyến đường sắt đô thị thành phố. Đồng thời, dự án cũng mở ra hướng kết nối với hệ thống giao thông công cộng khác như xe buýt, taxi, giao thông đường thủy… tối ưu hóa công tác vận hành.

Bà Leocadia Zak - Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển và Thương mại Hoa Kỳ (USTDA) cho hay: “USTDA luôn luôn duy trì danh mục phát triển và hợp tác ở Việt Nam cũng như hỗ trợ cho việc phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Việc hỗ trợ phát triển về vận tải chính là một trong những ưu tiên hàng đầu trong cam kết của USTDA. Việc ký kết tài trợ cho nghiên cứu khả thi này sẽ đảm bảo cho việc triển khai Trung tâm quản lý viễn thông tích hợp được thực hiện một cách hoàn hảo và đảm bảo cho các công nghệ hiện đại dọc tuyến Metro mà Việt Nam triển khai trong tương lai sẽ vận hành một cách hoàn hảo”.

Bà Claire Pierangelo - Đại biện lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác giữa Cơ quan Phát triển và Thương mại Hoa Kỳ với TPHCM về dự án giải pháp tích hợp hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển trung tâm cho các tuyến đường sắt đô thị của thành phố: “Trong bối cảnh phát triển đường sắt cũng như hệ thống đường sắt hiện tại của TPHCM, chúng tôi tin rằng kỹ thuật công nghệ Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ TPHCM phát triển đường sắt đô thị. Hoa Kỳ vốn là quốc gia nổi tiếng về công nghệ, chúng tôi hy vọng sẽ giúp được TPHCM không chỉ trong lĩnh vực giao thông vận tải, mà còn ở lĩnh vực tiếp cận với nước sạch và năng lượng”.

Với công nghệ tiên tiến, “Giải pháp tích hợp hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển trung tâm cho các tuyến đường sắt đô thị thành phố” sẽ giúp hệ thống Metro vận hành hoàn hảo hơn. Tương lai không xa, khi hệ thống Metro đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như ùn tắc giao thông của TPHCM.