Giải quyết ùn tắc cục bộ: Bố trí phương án “chặn dòng”

(VOH) - Phân tích thực trạng ùn ứ giao thông, ách tắc cục bộ từ 30 phút trở lên tại TP.HCM và giải pháp đồng thời đề cập việc chống người thi hành công vụ, Trung tá Huỳnh Trung Phong - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ đường sắt Công an TPHCM trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH).

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt. Ảnh: Phạm Hữu/TNO

VOH: Thưa ông, hiện là mùa mưa, TP.HCM xuất hiện một số tuyến đường bị ùn ứ giao thông từ 30 phút trở lên. Để khắc phục tình trạng này, ông cho biết giải pháp ?

- Trung tá Huỳnh Trung Phong: Không riêng TP.HCM mà Hà Nội và một số thành phố lớn đang quá tải về lượng người và mật độ tham gia giao thông. Vào giờ cao điểm, phương tiện di chuyển chậm. Không riêng nội ô mà cả ngoại ô, đặc biệt là tuyến cửa ngõ, khu vực gần cảng, lượng xe ra vào rất nhiều vào giờ cao điểm gây ùn ứ giao thông. Ngoài ra, một vấn đề nhỏ nhưng ảnh hưởng tới lưu thông ở trung tâm thành phố là sự ra vào của học sinh giờ tan tầm.

Vấn đề khá “đau đầu” đối với ngành chức năng là mật độ phương tiện tăng đáng kể ! Tính trung bình, một ngày thành phố tiếp nhận đăng ký mới đối với xe ô tô là gần 100 xe, xe mô tô, gắn máy khoảng 1.000 xe. Liên tục trong một năm như vậy thì toàn thành phố tổng số phương tiện mà chúng tôi quản lý là trên 7 triệu phương tiện, chưa kể các phương tiện của tỉnh thành khác ! Một yếu tố nữa là thời tiết, đặc biệt từ tháng 9 trở lại đây, thành phố ngập úng sâu, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. 

Trước thực trạng này, lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp đưa ra giải pháp đảm bảo giao thông thành phố. Chúng tôi nghiên cứu, khảo sát vị trí, khu vực, tuyến đường, đặc biệt là thời gian có xảy ra ùn ứ giao thông. Trên cơ sở khảo sát, chúng tôi xây dựng phương án bố trí lực lượng trực tiếp xuống đường điều hòa giao thông khi trời mưa. 

Đối với một số sự cố ùn tắc giao thông, chúng tôi đưa ra từng giải pháp cụ thể. Có trường hợp người dân bức xúc, tại sao khu vực này xảy ra ùn ứ giao thông nhưng không thấy lực lượng chức năng. Tuy nhiên, người dân không hiểu rằng, khi chúng tôi triển khai phương án giải tỏa ùn tắc giao thông tại điểm nút thì phải có phương án cụ thể. Ví dụ, xảy ra ùn ứ giao thông ngập nước ngay đường Hồng Bàng. Khi nơi đây ngập thì chúng tôi không thể nào di chuyển vào khu vực này được. Phương án của chúng tôi là cấm đường ngoài, "chặn dòng" từ bên ngoài. 

Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng thêm nhiều biện pháp như phối hợp với các lực lượng khảo sát những bất cập về tổ chức giao thông, hệ thống đường sá, biển báo để điều chỉnh kịp thời, giúp người dân thành phố đi lại an toàn và thông suốt nhất.

VOH: Gần đây liên tiếp xảy ra một số vụ chống đối cảnh sát giao thông, phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố có hướng xử lý thế nào?

- Trung tá Huỳnh Trung Phong: Qua phân tích từng vụ việc cụ thể thì chúng tôi thấy đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về chủ quan, cán bộ chiến sĩ đã thực hiện tốt công tác, tuy nhiên, trong ứng xử, cán bộ chiến sĩ thể hiện quá nghiêm túc, cứng nhắc xử lý các vi phạm, vô hình trung tạo ra phản ứng của người dân đối với việc xử lý quá nghiêm của cảnh sát giao thông. 

Về khách quan thì hầu hết vụ việc chống người thi hành công vụ xuất phát từ phản ứng của người dân. Ban đầu chỉ là những vi phạm hành chính thông thường nhưng trong quá trình xử lý, do ý thức của người dân và bản tính cá nhân dẫn đến bộc phát chống người thi hành công vụ. Cá biệt, một số trường hợp chống người thi hành công vụ do người vi phạm sử dụng chất kích thích và có nồng độ cồn. Sự chống đối thể hiện nhiều mức, từ cản trở thi hành nhiệm cụ của cảnh sát giao thông, sau đó nâng lên mức cao hơn là chống đối và gây thương tích với lực lượng thi hành nhiệm vụ. Trước thực trạng này, theo từng trường hợp cụ thể, chúng tôi bàn với cơ quan chức năng, tham mưu với các lực lượng để rút kinh nghiệm và đánh giá.

Trong thời gian tới, với vai trò và nhiệm vụ được phân công, hơn ai hết, chúng tôi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Mỗi cán bộ chiến sĩ cần nhận thức đầy đủ, hiểu biết pháp luật, hiểu biết nghiệp vụ, thực hiện theo tinh thần, trách nhiệm cao nhất để đảm bảo nhiệm vụ.

Chúng tôi tổ chức tập huấn về văn hóa ứng xử, trong đó có lưu ý khi thực hiện các chuyên đề quan trọng, phức tạp. Ví dụ, khi xử lý nồng độ cồn, chúng tôi chọn những cán bộ chiến sĩ phẩm chất, văn hóa ứng xử tốt, nghiệp vụ vững vàng để đưa vào tổ công tác này, hạn chế thấp nhất tình trạng chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu cán bộ chiến sĩ phải cam kết: khi thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Trong mọi trường hợp, xảy ra các tình huống chống người thi hành công vụ thì phải thông tin kịp thời về lãnh đạo đơn vị để chúng tôi có sự phối hợp, hỗ trợ các lực lượng, hạn chế thấp nhất những thương vong, thiệt hại cho cán bộ chiến sĩ nói chung, người vi phạm nói riêng.

VOH: Cảm ơn ông.