Giúp người nghiện ma túy làm lại cuộc đời

(VOH) - Không ít người trẻ vì nhiều lý do đi tìm vui trong ma túy, để sau đó phải vật vã tìm cách quên và đánh đổi rất nhiều để tìm cơ hội làm lại từ đầu.

Cai nghiện, chưa bao giờ dễ

Tại TPHCM, theo thống kê hiện có gần 22.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Số người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa và có xu hướng sử dụng nhiều loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp.

Việc phát hiện những người nghiện các chất này rất khó do không có những hậu chứng như nghiện heroin. Nguy hiểm nhất là đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp vì những hệ luỵ khó lường từ ảo giác.

Nghe bài viết 

Từng nghiện ma túy tổng hợp, anh Đỗ Thanh Tuấn cho biết: “Ma túy đá không giống ma túy thường, nếu thiếu sẽ lên cơn rồi vật vã ghê lắm và mua cũng tốn tiền hơn heroin nhiều. Có người dùng thì đa nghi, người thì có cảm giác sợ sệt lắm, có người khùng khùng điên điên, nói chuyện một mình mà không có biết, lúc tỉnh rồi người khác nói lại mới biết”.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Công ty TNHH Ðiều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Ða: “Người nghiện ma túy tổng hợp, hội chứng tâm thần xảy ra rất sớm và rất phức tạp, họ bị hoang tưởng, ảo thanh, ảo giác, ảo thị, luôn luôn có tư tưởng tự sát, rồi nghe những tiếng thì thầm bên tai. Họ có cảm giác bị giết hại và sẽ giết người trên đường mình đi. Do đó mới có người giết cả người trong nhà hay quan hệ tình dục bừa bãi theo kiểu bầy đàn, nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao”.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã nỗ lực trong công tác cai nghiện, phục hồi nhưng tỷ lệ tái nghiện và số người nghiện các loại ma túy mới vẫn không giảm. Cai nghiện rồi tái nghiện như một điệp khúc buồn.

Trăm đường tái nghiện

Nguyên nhân chính dẫn đến tái nghiện, xét cho cùng vẫn là lỗi của người nghiện đã không làm chủ được bản thân trước sức cám dỗ của ma túy, có lối sống buông thả, lười lao động. Bên cạnh đó, phải kể đến trách nhiệm gia đình, người thân và vai trò của cộng đồng xã hội. Sự mặc cảm cộng với sự kỳ thị, thái độ thờ ơ của những người xung quanh đã khiến những người đi cai nghiện về, vốn đang trong tâm lý chán chường rất dễ trở lại con đường cũ.

Do đó, để hỗ trợ người nghiện vượt qua cơn cám dỗ, mỗi giai đoạn tương ứng một cách tiếp cận khác nhau. Nếu tiếp cận không đúng cách, không phù hợp thì dễ thất bại.

Bà Nguyễn Thị Đào, cán bộ phụ trách giới thiệu việc làm cho các đối tượng sau cai nghiện tại một xã của huyện Hóc Môn cho biết: “Xã tuyên truyền dữ lắm nhưng các em không tham gia. Cai nghiện rồi vài bữa lại tái nghiện vì ý thức kém quá. Xã cũng cho vay vốn để làm ăn nhưng các em đâu có tham gia, nhưng điều này mình vận động thôi chứ đâu có ép được”.

Tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy phức tạp nên người nghiện dễ dàng tìm mua... cũng là tác nhân khiến tỷ lệ tái nghiện cao. Đối với mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, do thiếu đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực nên còn nhiều địa phương chưa thực hiện tốt công tác này, mới chỉ dừng lại ở giai đoạn cắt cơn, đưa vào trung tâm cai nghiện là chưa đủ. Ngoài ra, phải quyết liệt xử lý nghiêm đối với các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy.

Ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: lệ thuộc ma túy là một bệnh mãn tính phải hỗ trợ điều trị một cách lâu dài, trường kỳ. Đừng nghĩ rằng, chỉ cắt cơn xong là hết nghiện. Chúng ta đưa họ vào trung tâm cai nghiện bắt buộc thì 90% thậm chí 100% khi trở về đều tái nghiện. Tỷ lệ tái nghiện rất cao nhưng còn vớt vát được một số nhất định nếu được gia đình, cộng đồng quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ xóa đi rào cản. Thứ hai nữa là cai nghiện tại cộng đồng có cả giải pháp dùng thuốc thay thế thì người ta vẫn ổn định ở trong gia đình, vẫn đi làm việc, học tập.

Để cai nghiện thành công, bản thân người sử dụng ma túy cần có nghị lực, quyết tâm cao, vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của cộng đồng và kể cả người thân trong gia đình, không giao tiếp với bạn nghiện cũ, cách ly hoàn toàn với môi trường có ma túy. Trong đó, gia đình luôn là một chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần trong suốt thời gian cai nghiện.

Thực tế cho thấy, gia đình nào có sự quản lý chặt chẽ, quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời, đúng mức và thường xuyên thì việc phòng, chống tái nghiện mới thành công. Bên cạnh đó, cần xây dựng một đội ngũ tư vấn xã hội tận tâm, có kiến thức về ma túy, hiểu được tâm lý người sau cai nghiện. Xây dựng môi trường sống thuận lợi, lành mạnh, thì những người sau cai có thể có đủ niềm tin để làm lại cuộc đời.