Góp ý luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng

(VOH) - Ngày 12/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức góp ý dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng  lần đầu tiên trình Quốc hội cho ý kiến gồm có 6 chương, 46 điều. Đây là dự án Luật có nhiều đổi mới, phù hợp với xu thế mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Góp ý tại hội thảo các đại biểu bày tỏ phấn khởi khi dự án Luật sẽ được trình Quốc hội. Theo Thượng tá Đỗ Viết Vỹ - Trưởng phòng Tổ chức lao động Tổng Công ty Ba Son thì nét đáng chú ý nhất của dự án Luật chính là việc quy định độ tuổi phục vụ trong quân đội theo như Luật Lao động là nam 60 tuổi và nữ là 50 tuổi (theo luật hiện hành thì nam xuất ngũ ở độ tuổi 50).

Còn ông Nguyễn Triều Lưu (Sở Tư pháp) cho rằng, về chế độ tiền lương và phụ cấp, đề nghị bỏ quy định tại Điều 31 “được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; được đảm bảo nhà ở Công vụ theo quy định pháp luật” vì các đối tượng này đã được quy định hưởng các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công vụ theo quy định có liên quan.

* Cũng ngày 12/10, Đoàn đại biểu quốc hội TPHCM đã tổ chức góp ý cho dự án Luật báo chí" (sửa đổi).

Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành. Tại hội thảo, luật gia Phạm Thị Hồng Hương cho rằng Luật báo chí sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn xã hội, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, những trang mạng xã hội đã làm cho hoạt động báo chí theo Luật hiện hành trở nên lạc hậu, vì vậy cần thiết phải sửa đổi để đáp ứng tình hình mới. Bên cạnh đó, về vấn đề cấp thẻ nhà báo như hiện nay còn quá rườm rà về mặt thủ tục, bà Hương đề nghị nên cải cách thủ tục cho tinh gọn lại nhằm thực hiện nhanh việc cấp thẻ nhà báo.

Cũng tại hội thảo, đại diện Sở Thông tin Truyền thông cho rằng tại điều 3 đề nghị bỏ chữ “chí” khi nêu các loại hình như: báo in, báo điện tử. Ngoài ra, ở điều 5 đề nghị bổ sung cụm từ “kịp thời và phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc” trong nhiệm vụ thông tin trung thực, kịp thời về tình hình đất nước, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.