Hạnh phúc là sẻ chia

(VOH) - Dù tồi tàn đến đâu thì không nơi nào trên thế giới có thể sánh được với mái ấm gia đình. Nơi đó, cho chúng ta trở về và dựa vào bình yên nhất. Nhưng có một điều rất đáng lo ngại mà ai cũng thấy đó là cuộc sống càng hiện đại, mối quan hệ vốn khắng khít, bền chặt trong mỗi gia đình càng bị lỏng lẻo, tình cảm giữa các thành viên ngày càng xa.

Nghe nội dung bài viết

Hạnh phúc là sẻ chia. Ảnh minh họa: internet

Chị Phạm Thị Lan Hương ở phường 15, quận 10 chia sẻ: khi hai vợ chồng mới lấy nhau cuộc sống gia đình rất hạnh phúc, chị luôn là người giành làm tất cả mọi việc, từ đóng đinh đến sửa chữa vật dụng trong nhà, vì chị nghĩ thương chồng cho nên làm được cái gì thì làm cái đó.

Nhưng chính vì chị giành làm hết phần của chồng, nên mỗi ngày đi làm về anh chỉ có việc ngồi xem ti vi, lướt web, chơi game, có khi đi nhậu với bạn bè đến khuya mới về, lúc đó chị mới nhận ra chính mình đã đẩy chồng mình ra xa. Và chị kết luận, muốn hạnh phúc bền lâu là phải có sự chia sẻ công việc chung trong gia đình.

 "Bản thân tôi say sưa làm quá, bạn bè rủ không dám đi chơi, đến khi hạnh phúc sắp tan vỡ thì lúc đó mới tỉnh. Tôi là người rất ham làm và không phải chồng tôi bắt tôi làm. Không phải mình kiếm tiền nhiều là đem lại hạnh phúc mà mình phải biết chia sẻ với chồng mình. Biết chồng mình thích gì và không thích gì. Bây giờ tôi nghĩ mình cứ suốt ngày bếp núc, cứ lo làm ăn thì ông chồng ông cũng chán", chị Hương nói.

Còn theo bà Đặng Kim Định, ở quận 1 thì muốn giàu có, thành đạt mà vẫn giữ được những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, tinh tế trong một mái ấm gia đình là điều không dễ dàng, rất nhiều cách giữ gìn hạnh phúc gia đình đã được đúc kết, nhưng không phải ai cũng làm được, nhất là trong cuộc sống ngày nay. Với những cặp vợ chồng bận rộn, điều này lại càng khó hơn.

 Chị Định chia sẻ: "Ngoài vấn đề vợ chồng ra thì yếu tố tâm lý lại chính là chìa khóa hạnh phúc. Bản thân chồng tôi rất mê đọc báo nên mỗi sáng đi chợ về tôi đều ghé mua báo cho chồng. Đặc biệt trong bữa ăn vì chồng tôi là người miền Trung có những món tôi không ăn được nhưng vẫn học để nấu, và chồng tôi rất thích. Và chính từ sự tâm lý đó cũng là tấm gương để con cái mình nhìn vào đó để học hỏi".

Có thể thấy ngày nay, mỗi thành viên trong gia đình hiện đại ai cũng tất yếu cho rằng cần có “một chốn riêng”. Nhưng “chốn riêng” ấy trong một chừng mực nào đó đã bị đẩy lên quá mức, vô hình làm cho “chốn chung” của gia đình vốn được tạo nên bởi những yêu thương bền chặt dần rạn nứt, không hiếm trường hợp tan vỡ.

Nhiều người cho rằng: “Mỗi thành viên trong gia đình hiện đại dễ rơi vào trường hợp thiếu trách nhiệm với gia đình vì thiếu thời gian?”. Tuy nhiên, hoạ sĩ Đỗ Xuân Tịnh - Trưởng Khoa Mỹ thuật ĐH Sài Gòn khẳng định thiếu thời gian không có nghĩa là thiếu trách nhiệm. Có trách nhiệm hay không là do mình: "Thiếu hay đủ thì không xác định được, vấn đề là cái tâm của mình có dành trọn cho gia đình hay không thôi. Còn bây giờ ai cũng phải bươn chải để lo cho cuộc sống, nhưng quan trọng là mình biết bao nhiêu là đủ cho gia đình mình. Cái đủ ở đây không chỉ đủ về vật chất mà còn đủ về tinh thần, cho nên mình phải ráng thu xếp".

Trước đây, người phụ nữ được xem là người đảm nhiệm việc giữ lửa cho hạnh phúc trong khi nam giới giữ nhiệm vụ làm kinh tế. Thế nhưng ngày nay, bình đẳng giới đã tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội làm việc và thăng tiến như nam giới thì việc giữ lửa hạnh phúc đó lại đòi hỏi cả vợ lẫn chồng cùng tham gia. Bởi một khi người phụ nữ dành nhiều thời gian để tham gia công tác xã hội thì thời gian dành cho gia đình cũng bị tiết giảm theo, đó là điều không thể tránh khỏi.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Hồng – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, phụ nữ bây giờ rất cần sự hỗ trợ của nam giới và nam giới cũng rất tiến bộ, họ rất muốn hỗ trợ cho phụ nữ cùng tiến vì vậy họ sẵn sàng chia sẻ, gánh vác việc nhà. Nhưng để tất cả các thành viên cùng nhau gánh vác và xây dựng ngọn lửa hạnh phúc gia đình thì hơi ấm của gian bếp vẫn là mấu chốt quan trọng.

"Nếu như lâu nay mình bị quen suy nghĩ là nam trọng hơn nữ, cho nên phụ nữ cứ quần quật với công việc nhà trong khi các anh lại thư thả thoải mái. Nhưng hiện nay lại xuất hiện một tình trạng mới là phụ nữ cũng ăn chơi không kém, cũng lướt web, cũng facebook và lơ là vai trò trong gia đình. Thậm chí bây giờ có nhiều anh lại vất vả lăn vào bếp để nấu cơm trong khi các bà vợ đang ngồi chat với các đồng nghiệp. Do đó, việc bếp núc ngày nay cũng là đề tài làm cho chúng ta phải bận lòng nhiều lắm", bà Hồng cho biết.

Nhiều người cho rằng hạnh phúc hôn nhân của người nổi tiếng thường mong manh và khó bền lâu. Tuy nhiên, thực tế đã có rất nhiều cặp đôi vẫn giữ được "lửa" hạnh phúc gia đình, bất cứ ai nhìn vào cũng không khỏi ngưỡng mộ và ghen tị! Có thể nói, Mỹ Linh là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của làng nhạc Việt hoàn toàn hạnh phúc và viên mãn với tất cả những gì mình đang có trong cuộc sống.

Thay vì chọn lối sống ồn ã, xô bồ của thế giới giải trí, chị chọn cho mình một cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng bên chồng con và không vướng vào những thị phi của thế giới giải trí. Nhờ thế mà chị đã đi ngược lại được số phận của những nữ nghệ sĩ xung quanh chị: thành đạt trong sự nghiệp và không có sóng gió trong cuộc sống riêng.

 "Do công việc của tôi là phải di chuyển nhiều nên tôi tranh thủ chăm sóc bản thân mình một chút, còn lại thì tôi cũng dành thời gian bếp núc, rất nhiều thứ phải lo như họp phụ huynh, vì trong gia đình có 3 đứa con, các cháu thì cũng phải lo bài vở rồi có rất nhiều chuyện để nói với mẹ mỗi ngày. Còn tôi với Anh Quân thì sẽ chia sẻ các vấn đề của các con", ca sĩ Mỹ Linh cho biết.

Thạc sĩ Hà Trung Thành – Học viện Cán bộ TP nhìn nhận: Người hạnh phúc là người biết mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh. Và điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người chính là sống làm sao cho mình được hạnh phúc và để làm được điều đó thì cần phải mang hạnh phúc đến gia đình và cũng đừng quên mang hạnh phúc đến cho chính mình.

"Bây giờ xây thì phải đi dôi với chống, có một người xây mà một người phá thì không bao giờ xây được hết, cho nên trong quá trình xây dựng gia đình hạnh phúc buộc phải có những cái chống, mà chống ở đây là chống những cái rối nhiễu. Có nhiều người không hạnh phúc họ lại nghĩ do số phận. Ôi ông trời, ông se duyên sao mình gặp ông đó xui quá, gặp cô đó xui quá, thôi âu cũng là số phận. Như vậy nếu lập gia đình thứ 2 tôi bảo đảm chừng vài năm nữa cũng nói: “Ôi số mình mà”. Tại sao? Tại mình không rút kinh nghiệm, không trao đổi, chia sẻ những nguy cơ", Thạc sĩ Thành nhìn nhận.

Gia đình có thể trở thành tổ ấm hay tổ lạnh, là thiên đường hay chốn ngục tù... tất cả phụ thuộc vào sự chung tay góp sức của mọi thành viên và sự hỗ trợ tích cực từ phía xã hội. Thiết nghĩ, để mái ấm trở thành bến đỗ bình yên thì mỗi thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống. Để con cái noi gương người lớn, các bậc cha mẹ phải sống đàng hoàng, biết “hãm cái tôi”, chăm lo, quan tâm đến con cái nhiều hơn để tiếp thêm lửa cho “bến đỗ yêu thương”.