Hãy để họ cùng đứng ngang hàng- Bài 2: Bình đẳng giới - Cần thay đổi nhận thức

(VOH) - Ngày 31-3, <b>VOH </b> đã đăng phần 1 của loạt bài “Hãy để họ cùng đứng ngang hàng”- phản ánh một số bất cập trong vấn đề bình đẵng giới hiện nay. Tuy nhiên, nói gì thì nói phụ nữ ngày nay có cơ hội nhiều hơn bởi họ được xã hội nhìn nhận và thừa nhận vai trò, năng lực trong cộng đồng.

Tỉ lệ phụ nữ có mặt trong các vị trí của chính quyền và đoàn thể ngày càng tăng, phụ nữ được tham gia hệ thống giáo dục, y tế, được hưởng phúc lợi xã hội... Bằng chứng về sự tiến bộ của họ thì nhiều, nhưng so với nam giới họ vẫn cần những cơ hội bình đẳng hơn nữa.

Một đồng nghiệp nữ của chúng tôi từng thốt lên: Tại sao lại phải nhín niềm ao ước có một cái áo đẹp để mua một ký thịt, để rồi khi nhìn mấy cha con ăn uống hể hả thì mẹ lấy niềm vui ấy để dìm đi nỗi luyến tiếc chiếc áo quyến rũ kia? Tại sao lại phải ngậm ngùi để lại hộp kem dưỡng da dành tiền cho chiếc sơmi mới của chồng, để rồi sau đó cùng chồng ra đường lại thấy lòng xót xa khi chồng len lén nhìn những cô gái mặt hoa da phấn quần là áo lượt khác. Từ thực tế bản thân mình, Bà Nguyễn Vân Anh-Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Khoa học về giới-gia đình –phụ nữ và vị thành niên cho rằng phụ nữ muốn được người khác trân trọng, trước hết họ phải biết “thương bản thân mình”:

Văn hóa chính thống nhấn mạnh phụ nữ phải trung hậu, đảm đang, vị tha, giàu đức hi sinh, công - dung - ngôn - hạnh. Mọi quy định ấy để làm gì? Có người đặt câu hỏi: để phục vụ quyền lực của đàn ông hay vì phụ nữ phải có những phẩm chất như vậy mới là phụ nữ. Nếu không thì sao? Hay là họ sẽ biến thành người khác giới? Chính những điều này đã trói buộc phụ nữ cho đến ngày nay. Ngay cả chuyện đàn ông đi mua dâm cũng vậy, xã hội phê phán những người làm gái những người mua dâm thì ít mà quay ra phê phán các bà vợ không sexy, không biết chiều chuộng chồng thì nhiều... Nói tóm lại, phụ nữ luôn có lỗi. Vậy phải thay đổi từ đâu? Theo Ông John Hendra – Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam thì “Bản thân phụ nữ không thể tự mình tạo ra sự thay đổi. Bình đẳng giới là sự nghiệp chung đòi hỏi nỗ lực của tất cả chúng ta. Năm 2010 chính là thời điểm để nam giới đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ trong đời sống. Đặc biệt, hãy cùng chia sẻ với phụ nữ quyền bình đẳng trong việc ra quyết định trong cuộc sống, trong việc công lẫn việc tư”. Còn theo Bà Cao Thị Thanh Minh, Hội Phụ nữ Quận Tân Bình thì không chỉ có người chồng mà Bố Mẹ chồng cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sự bình đẳng trong chính mái ấm gia đình:

Bên cạnh nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của gia đình thì vai trò rất lớn tạo nên thành công cho người phụ nữ đó chính là môi trường ngoài xã hội. Hãy bắt đầu từ việc nhìn nhận và đánh giá sao cho hợp tình hợp lí với những người phụ nữ đang thực hiện thiên chức làm mẹ. Ông Lê Trọng Nghĩa-Giám đốc Trung Tâm kỹ thuật Tổng Hợp đã nói vui với chúng tôi rằng: “Đáng lẽ thời gian đó người mẹ phải được ưu tiên số 1, thậm chí hơn những người khác đang làm việc, còn ai so bì thì cứ nghỉ hậu sản đi, sao cứ đi cắt danh hiệu hay trợ cấp của họ”, ông lí giải:

Về phần mình Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó Giám đốc Bệnh viện nhi đồng 2 đề nghị tăng thêm thời gian nghỉ hậu sản, ít nhất là trùng với sáu tháng nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, thời gian kéo dài này cũng giúp người mẹ phần nào lấy lại được sức khỏe và vóc dáng sau ca vượt cạn. Họ xứng đáng như vậy lắm chứ! Vấn đề này đã được đưa ra mổ xẻ một thời gian dài nhưng nay lại rơi vào im lặng:

Một vấn đề nữa được khá nhiều người quan tâm khi nói đến bình đẵng giới đó chính là thời gian nghỉ hưu của phụ nữ: Theo qui định của nước ta hiện nay thì nữ giới đến 55 tuổi là nghỉ hưu nhưng bà Lê Minh Nga-Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lí hôn nhân gia đình thì cho rằng trong thực tế xã hội có nhiều phụ nữ còn khả năng làm việc và làm việc tốt ngoài tuổi 55, nhất là trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bởi lúc đó chị em đã ổn định về gia đình, tích lũy nhiều kinh nghiệm chuyên môn và còn sức khỏe. Nếu có những quy định thông thoáng cho phép phụ nữ kéo dài thời gian làm việc đến 60 tuổi ( tùy theo nguyện vọng) thì cũng tạo thêm điều kiện cho phụ nữ cống hiến:

Bà Nguyễn Thị Hồng Phiệt, Giám đốc Công ty TNHH May – Thương mại Hữu Nghị II thì cho rằng chính sách của Đảng, nhà nước như miễn thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hay hỗ trợ phụ nữ đi làm chi phí uống nước 100.000/tháng hoàn toàn không có gì là gây bất bình đẳng cho nam giới cả. Bởi đó là sự khuyến khích phụ nữ đi làm và doanh nghiệp có thể sử dụng tiền thuế được miễn tăng thêm phúc lợi cho lao động nữ.

Thực trạng bất bình đẳng về Giới, đã có một bước tiến khá dài trên toàn thế giới kể từ năm 1910, là năm mà Tuyên ngôn về quyền bình đẳng của phụ nữ được công bố. Tuy nhiên, để bình đẳng giới được tin là có thực và trở nên thuyết phục hơn, sống động hơn nữa trong con mắt của cộng đồng, chỉ có một con đường duy nhất: đó là người phụ nữ luôn phải phấn đấu và phấn đấu nhiều hơn nữa, trong mối quan hệ gia đình, trong công việc và những ứng xử ngoài xã hội. Mọi chuyện nằm trong tay của họ. Phụ nữ có nhiều cơ hội để mang đến những đổi thay của xã hội chứ không phải chỉ một mình đàn ông. Họ có thể vẫn là những công dân ưu tú, giúp ích cho xã hội, đồng thời họ cũng hoàn thiện trong vai trò là người vợ hiền, người mẹ tận tâm, là ngọn lửa quy tụ cả gia đình. Nhưng….để họ có thể bước ngang hàng với người đàn ông thì cần lắm sự quan tâm, động viên của người chồng cũng như sự sẻ chia của toàn xã hội. Phải chăng đó chính là con đường giải phóng phụ nữ ngắn nhất và hiệu quả nhất?

Hồng Thúy-Thùy Trang

Hãy để họ cùng đứng ngang hàng - Bài 1: Bình đẳng giới - Câu chuyện còn nhiều trăn trở