Hãy mở rộng vòng tay!

(VOH) - Với một người bình thường, việc sống sao cho có ích cũng đã là điều khó, còn đối với những người làm lại cuộc đời sau vấp ngã, thì điều này càng khó khăn bội phần. Họ phải có nghị lực để vượt lên chính bản thân mình, phải bắt đầu lại mọi thứ từ con số 0, nhưng tất cả những điều đó vẫn không khó khăn bằng việc họ phải vượt qua những định kiến của xã hội để làm lại một con người tốt đúng nghĩa.

Câu chuyện của anh Lê Thừa Dương Hùng - Chủ cơ sở điêu khắc gỗ ở huyện Hóc Môn - một gương điển hình về người chấp hành xong án phạt tù vươn lên trong cuộc sống khiến ai biết đến đều cảm phục. Với vẻ mặt hiền lành và giọng nói điềm đạm, ít ai ngờ rằng trước đây anh từng là tay giang hồ khét tiếng với biệt danh “Hùng sầu”. Chuỗi ngày lầm lỗi của anh là những ngày nghiện ngập, hành nghề đâm thuê chém mướn, đã gián tiếp lấy đi mạng sống của hai con người. Tội lỗi ấy khiến anh luôn ám ảnh, ray rứt. Chính vì vậy mà trên con đường phục thiện hôm nay, mỗi ngày anh đều cố gắng làm một việc tốt để trả “nợ đời”, cũng như để cho lương tâm mình được thanh thản hơn.

Anh Lê Thừa Dương Hùng cùng các học viên tại cơ sở điêu khắc gỗ của mình. Ảnh: Lao động

Anh Lê Thừa Dương Hùng hiện là một ông chủ thành đạt trong ngành chạm khắc gỗ, là người thầy đáng kính của nhiều học viên cũng là những người từng vào tù ra khám như anh. Nhớ lại chặng đường đầy thử thách trên hành trình bước ra từ bóng tối cuộc đời mình, anh Hùng trải lòng: "Một người từng có tiền án tiền sự và có lần đã bị phát lệnh truy nã toàn quốc, khi trở lại với cộng đồng thì hầu như không ai tin rằng một người như tôi có thể làm lại  người tốt. Đi xin việc làm ở đâu cũng không ai chấp nhận, đi xin học nghề họ cũng không cho. Với cái tâm muốn trở lại làm người lương thiện nên tôi đã quyết tâm và cố gắng để học được cái nghề điêu khắc gỗ. Tôi từng mơ ước là khi tôi có điều kiện tôi sẽ mở một cơ sở dạy nghề để truyền đạt lại cho những người có hoàn cảnh như tôi".

Và hơn cả mong ước, từ năm 2005 đến nay, anh Lê Thừa Dương Hùng đã truyền nghề cho hơn 200 học viên, trong đó có hơn 50 học viên là người chấp hành xong án phạt tù. Những người nghiện ma túy cũng tìm đến anh để cai nghiện và học nghề. Số còn lại những mảnh đời cơ nhỡ, mồ côi được anh cưu mang. Anh Hùng cho biết thật hạnh phúc khi nhìn thấy nhiều học trò thành đạt, đã mở được cơ sở riêng và có cuộc sống khấm khá.

“Cuộc chơi nào cũng có lúc phải dừng lại, đã nghiện được thì phải bỏ được, bản lĩnh hay không là ở chỗ có quyết tâm từ bỏ được con đường mà mình đã trót đi sai hay không” - đó là những điều mà anh Trần Hoàng Dũng, ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, một người cai nghiện ma túy thành công đã chia sẻ với chúng tôi. Với chiếc xe hủ tíu từ đồng vốn do địa phương tạo điều kiện cho vay, 8 năm qua từ khi cai nghiện trở về, anh đã có một sống bình yên bên mái ấm gia đình. Mỗi ngày, buổi sáng anh bán hủ tíu, còn lại thời gian buổi chiều và tối anh là một đồng đẳng viên tình nguyện với công tác tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ điều trị cho người nghiện ma túy ở quận 1. Anh Trần Hoàng Dũng bộc bạch: "Khi tôi về thì được sự quan tâm giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể địa phương, cho tôi tham gia những đội nhóm sinh hoạt để có niềm vui và lấy lại niềm tin, từ đó, tôi cũng bớt được mặc cảm tự ti. Về sau, tôi được vay vốn bán hủ tíu, rồi tham gia là đồng đẳng viên của Trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng của quận 1. Tôi đã có quá khứ như vậy nên bây giờ tôi giúp lại cho các bạn khác. Cuộc chơi nào cũng tới lúc phải dừng lại, nhưng phải có quyết tâm để từ bỏ. Quan trọng là phải có việc làm, không tiếp xúc với bạn bè xấu nữa, gần mực thì đen gần đèn thì sáng".

Không phải câu chuyện tái hòa nhập cộng đồng nào cũng có hậu như vậy, mà rất nhiều người mãn hạn tù hay cai nghiện ma túy, khi trở lại với cuộc sống bình thường, họ đã không vượt qua được mặc cảm bản thân vì không được xã hội đón nhận, không có việc làm ổn định, nên họ đã quay trở lại con đường cũ. Trên cả nước hiện có 150.000 người đang chấp hành án phạt tù, và theo thống kê trong nhiều năm qua, con số tái phạm luôn chiếm khoảng 1/3. Còn nói về nghiện ma túy, cả nước hiện có hơn 180.000 người. Tình trạng tái phạm tội và người nghiện ma túy gây án cũng đang là một thực tế diễn ra vô cùng nhức nhối.

Ở TP.HCM, công tác hỗ trợ cho người tái hòa nhập cộng đồng được tiếp sức rất lớn kể từ khi có sự ra đời của Quỹ hòa nhập và phát triển cộng đồng vào năm 2010. Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ này là luật sư Trần Văn Tạo - Nguyên Phó giám đốc công an TP.HCM, cho biết: Quỹ sáng lập dựa trên ý tưởng của một người từng bị kết án tù và đã hoàn lương. Với sự thấu hiểu của người trong cuộc, những người đang trực tiếp điều hành quỹ luôn xác định công tác dạy nghề, tạo việc làm có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng xây dựng lại cuộc sống. Do đó, sắp tới, quỹ sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thực hiện thành công mục tiêu này: "Khi thành lập quỹ này, chúng tôi muốn góp phần vào việc hạn chế những sai phạm có thể tái diễn nếu như không có điều kiện tốt để họ tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi vẫn tiếp tục chương trình dạy nghề cho họ để khi ra xã hội họ có thể tự sống được. Và khi họ đã tự mình phấn đấu vươn lên được thì cũng có thể tự khắc phục được những lỗi lầm bản thân họ mắc phải. Điều đó không phải mình tin tưởng một cách mơ hồ không có căn cứ, mà đã được chứng minh trong thực tế là những người tự vươn lên được thì bản thân những lỗi lầm xưa cũng được họ tự cải tạo rất tích cực và trở thành người tốt".

Cả nước đang hưởng ứng Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 19/8, ngày tôn vinh những gương sáng trong giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Đây cũng là dịp để mọi người trong xã hội nhìn lại xem mình đã xóa bỏ được định kiến đối với người tái hòa nhập cộng đồng, đã giang tay giúp sức để họ có cơ hội làm lại cuộc đời hay chưa? Bản thân trong mỗi con người đều mang mầm thiện, đừng vì những lỡ lầm trong quá khứ của một số người mà chúng ta quay lưng với họ, hãy mở rộng vòng tay với họ, bởi mỗi việc làm mang tính hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng có được công ăn việc làm ổn định cũng chính là hành động thiết thực để góp phần bảo vệ sự yên bình cho cuộc sống hôm nay.