Hết lòng vì người đồng cảnh

(VOH) - Dù thân thể không lành lặn, song với ý chí cộng những nỗ lực vượt qua số phận nghiệt ngã, đã có nhiều người khuyết tật, từng ngày cố gắng vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội. Họ đã có thể tự tin bước đi bằng đôi chân không lành lặn của mình, không chỉ vậy họ còn dang tay giúp đỡ và đưa những người đồng cảnh ngộ đi lên.
Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Chương trình Khuyết tật và Phát triển. (ảnh: dantri)

Người đầu tiên mà chúng tôi nói đến là thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Chương trình Khuyết tật và Phát triển. Dù công việc tại Trung tâm luôn bận rộn với những dự án dành cho người khuyết tật, nhưng chị cũng dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Nhớ lại tuổi thơ của mình, chị kể: chị sinh ra và lớn lên tại một làng quê ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, bị tật do sốt bại liệt khi chị lên ba. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM năm 1990, chị bắt đầu đi xin việc, nhưng đến đâu chị cũng đều nhận được những cái lắc đầu, có những nơi sau khi kiểm tra năng lực đã đồng ý nhưng rồi sang hôm sau lại đổi ý chỉ vì thân thể chị không được lành lặn, không nản chí, chị vẫn luôn tin tưởng vào khả năng của mình. Sau đó, chị lấy tiếp bằng cử nhân sư phạm Anh, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Con người tại Đại học Kansas Mỹ năm 2004. Năm 2005 chị sáng lập và điều hành Chương trình Khuyết tật và Phát triển. Chia sẻ với chúng tôi về “ý tưởng” để chị sáng lập ra Chương trình Khuyết tật và Phát triển, chị cho biết:

Chị Hoàng Yến cho biết: Khi mới vào làm việc tại Chương trình khuyết tật và phát triển các em thiếu tự tin, ngại ngùng và mặc cảm với khuyết tật của mình nhưng giờ đây đã thay đổi rất nhiều, đã mạnh dạn nói chuyện trước đám đông, và cảm thấy tự hào về công việc của mình. Thành lập từ năm 2005 đến nay, ngoài các hoạt động Hỗ trợ về việc làm, Chương trình Sống độc lập, chị còn sáng lập và điều hành Chương trình Học Bổng Người Bạn Đồng Hành, Thư viện điện tử về lĩnh vực khuyết tật, website về Luật và Chính Sách cho người khuyết tật, Hội quán xã hội " Chương trình Khuyết tật và Phát triển". Hiện chị còn là giảng viên trường Đại học Mở TPHCM. Tuy suốt thời gian qua chị đã làm được rất nhiều việc cho người khuyết tật nhưng với chị vẫn chưa đủ:

Chia tay chị Hoàng Yến, chúng tìm đến địa chỉ số 5 Đinh Tiên Hoàng, nơi có văn phòng làm việc của Thư Viện Sách nói dành cho người khiếm thị, Giám đốc điều hành Thư viện là chị Nguyễn Hướng Dương. Ở tuổi 25, cái tuổi đang xuân sắc của đời người thì chị lại bị tai nạn giao thông và mất đi vĩnh viễn đôi chân. Mang trên mình những khiếm khuyết nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân chị đã vượt qua số phận, rất lạc quan và yêu cuộc sống. Gắn bó với Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị đến nay đã 14 năm. Nhớ lại những ngày đầu chị kể, Thư viện lúc đó chỉ có một chiếc casette cũ, một máy thu cũ và vài cuộn băng được tài trợ. Một mình chị ngồi thu trong căn phòng nhỏ bé ẩm thấp. Danh mục lúc đó chỉ được chọn theo một khuôn khổ nhất định với những truyện như: Tâm hồn cao thượng, Truyện cổ Grim, Andersen, Không gia đình để phục vụ riêng cho học sinh khiếm thị trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Vậy mà đến nay, hơn 14 năm hoạt động, Thư viện sách nói đã phát hành hơn 1.000 tựa sách nói, sản xuất và phục vụ miễn phí khoảng 250.000 sách nói cho người khiếm thị cả nước. Cho mượn khoảng 30.000 lượt sách nói. Chị đã chia sẻ về “nhân duyên” đến với công việc đặc biệt này:

Bên cạnh việc thu âm và phát hành sách nói để phục vụ người khiếm thị, chị Nguyễn Hướng Dương còn lặn lội đi xin học bổng cho các em khiếm thị. Với học bổng “Hoa Hướng Dương” đến nay đã trao cho hơn 1.200 lượt sinh viên học sinh mù được nhận học bổng. Khi chúng tôi hỏi chị 14 năm qua, mỗi ngày chị đều làm một công việc như vậy chị có cảm thấy chán không, chị liền cười:

Một tấm gương nữa cũng rất đáng trân trọng mà chúng tôi không thể không nhắc đến, đó là anh Trần Văn Trung, chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Hướng Nghiệp Khuyết Tật Trẻ. Từ khi sinh ra đến năm 12 tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân lành lặn của anh, vì gia đình khó khăn nên anh là một trong những người phải lo kinh tế gia đình. Tiếp xúc với nhiều người mà đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, dần dần anh nhận ra một điều rằng phải làm điều gì đó để giúp đỡ họ. Anh nhớ lại:

Những ngày đầu tập hợp những người có hoàn cảnh khó khăn chỉ để giao lưu, vui chơi, nhưng song song đó anh cũng nảy ra ý tưởng là giúp cho họ có một nghề nghiệp đàng hoàng. Nói là làm, thế là anh đã đi vận động các mạnh thường quân xin những chiếc máy vi tính, những bàn máy may cũ về để các bạn có thể học nghề. Đến tháng 8/2000 câu lạc bộ được chính thức thành lập và qua từng năm được nhân rộng ra. Ngoài những học viên khuyết tật còn có những thanh thiếu niên nghèo, mồ côi đường phố đều được câu lạc bộ tiếp nhận và giúp cho họ học nghề miễn phí. Mỗi năm câu lạc bộ đào tạo trên 100 học viên, trong đó trên 50 % học viên được giới thiệu việc làm. Năm 2010, câu lạc bộ đã vinh dự nhận Giải thưởng VICTA dành cho cơ sở đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật xuất sắc nhất.

Còn có rất nhiều người khuyết tật đang ngày ngày khắc phục những khiếm khuyết của bản thân để hòa nhập cộng đồng, không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội. Có thể nói, để đạt được thành công như ngày hôm nay họ đã sống và làm việc với tinh thần lạc quan, đầy nhiệt huyết, và đặc biệt hơn nữa là họ đã đem đến niềm vui cho gia đình, cho những người đồng cảnh ngộ. Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mượn lời anh Trần Mạnh Hùng, ở quận Bình Thạnh, là một người khuyết tật đã từng nhận được sự giúp đỡ của những người khuyết tật đi trước, từ khi anh còn là học sinh- sinh viên, nhờ đó, đến nay anh đã có một gia đình rất hạnh phúc: