Hết xả khói ngày, công ty Hóa Sinh chuyển sang xả khói đêm

(VOH) - Tình trạng gây ô nhiễm trên địa bàn dân cư xã Phạm Văn Cội và xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi đã diễn ra nhiều năm nay. Chính quyền địa phương và người dân đã nhắc nhở nhiều lần nhưng đến nay việc xử lý khí thải của Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh trên địa bàn cư dân vẫn chưa được cải thiện.

Mái tôn của người dân bị hư hỏng do khói thải. (ảnh: Tuyết Nhung)

Không khó để nhận biết đến địa bàn ấp 5 xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, khi mà bầu không khí xung quanh khu vực này trở nên ngai ngái bởi mùi phân thuốc. Mặc dù, thời điểm lúc này đây thời tiết thoáng đãng khô ráo, ống khói nhà máy chưa hoạt động, nhưng cảm giác khó chịu cứ len lỏi vào từng hơi thở của người đi đường. Vậy mà, người dân trong khu vực đã phải chung sống với môi trường ô nhiễm như thế này gần 10 năm nay.

Theo nhiều hộ dân, mùi hôi càng trở nên cô đặc, bao phủ khi các ống khói xả thải của nhà máy hoạt động. Không những làm cho các lô cao su gần đó bị cháy lá, chết cả cây, khí thải từ nhà máy còn làm mái tôn hầu hết nhà dân bị cháy xém, loang lổ, mục nát. Với những sự vật vô tri vô giác còn ảnh hưởng như thế, nên với cơ thể con người không tránh khỏi các di chứng bệnh tật. Phần lớn dân cư trên địa bàn đều bị các chứng bệnh về đường hô hấp, nhẹ thì viêm mũi, viêm xoang, nặng hơn thì ung thư, lao phổi.

Mỗi ngày, khí thải tích lũy càng nhiều, sức khỏe của người dân càng giảm sút. Vì vậy, bà con ai cũng mong công ty di dời đi để trả lại môi trường trong lành, sự bình yên cho người dân nơi đây. Về những ảnh hưởng từ việc xả thải của công ty đối với đời sống của bà con trong vùng, bà Nguyễn Thị Kim Loan, tổ 34, ấp 5 xã Phạm Văn Cội khẳng định: “Công ty phân bón Hóa Sinh xả khói gây ô nhiễm. Con cháu bị viêm phế quản, bệnh thường xuyên, người lớn thì thường bị đau đầu. Dân ở đây ảnh hưởng khói bị bệnh nhiều hơn chỗ khác, viêm mũi, viêm xoang, bị bệnh trong người. Tôn thì ảnh hưởng khói nên mục, đã thay rồi nhưng vẫn bị ảnh hưởng ”.

Nhiều hộ dân cho biết, trước đây việc xả khói được tiến hành vào ban ngày, nhưng kể từ sau đợt kiểm tra của Hội đồng nhân dân, các sở ngành thành phố, và phản ánh của báo chí, công ty chuyển sang xả khí thải vào buổi tối từ 22 giờ trở đi, hoặc thải vào lúc sáng sớm, khi nhiều người vẫn còn say giấc. Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm xả thải cũng không làm giảm bớt phần nào mức độ ảnh hưởng của khí thải.

Về hiện trạng xả thải của công ty Hóa Sinh, anh Lê Hoàng Trọng, ngụ tại tổ 33, ấp 5, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, bức xúc: “Công ty phân bón Hóa Sinh xả khói rất hôi, cứ buổi sáng và buổi tối là xả rất nhiều, nhất là buổi tối xả khói thải mịt trời. Ở đây tối ra đường là nghe mùi phân, mùi diêm. Tôn bị mục hết, nhà nước nên giải quyết cho công ty di dời vì người dân ở đây bị ảnh hưởng về môi trường rất nhiều. Nhưng mà đề nghị hoài mà không thấy tiến triển”.

 Đặc biệt, đây lại là khu dân cư đã hình thành và tồn tại từ lâu, việc xả thải sẽ rất nguy hại đến sức khỏe nhiều người. Vì vậy, mặc dù phía công ty cho biết sẽ hỗ trợ 50% diện tích mái tôn hư hỏng của 27 hộ dân ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức và 72 hộ dân ấp 5 xã Phạm Văn Cội, nhưng về  lâu dài, hầu hết người dân đều có nguyện vọng mong muốn công ty Hóa Sinh di dời đi nơi khác. Bà Lương Thị Nau, Phó chủ tịch UBND xã Phạm Văn Cội, cho biết thêm: “Khu dân cư đã quy hoạch ổn định, lâu dài, còn công ty mới thành lập sau này. Đến bây giờ, công ty vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bây giờ, hộ dân đồng ý công ty hỗ trợ. Tuy nhiên, về lâu dài người dân muốn công ty di dời đi nơi khác để đảm bảo đời sống và sức khỏe của người dân”.

Thực tế, hoạt động gây ô nhiễm của công ty Hóa Sinh đã nhiều lần bị UBND thành phố ra quyết định xử phạt. Cụ thể: vào tháng 12-2013 phạt 145.000.000 đồng và yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm trong thời gian 30 ngày, và mới đây ngày 29-12-2014 UBND TP quyết định xử phạt 560.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động công ty trong 3 tháng. Ngoài ra, phía huyện đang tiến hành mời chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty làm việc để xử lý hành vi xả nước thải vượt chuẩn của công ty. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng tiếp tục xả thải của công ty Hóa Sinh, bà Huỳnh Thị Vang, Phó trường phòng Tài nguyên Môi trường, huyện Củ Chi, cho biết sẽ có kế hoạch giám sát thường xuyên: “UBND TP đang chỉ đạo Sở TNMT giải quyết vấn đề ô nhiễm công ty phân bón Hóa Sinh, Ủy ban huyện sẽ phối hợp thanh tra sở thường xuyên kiểm tra việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải của công ty, buộc công ty phải chấp hành đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Lâu dài, huyện sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND TP về định hướng giải quyết hoạt động của công ty. Huyện sẽ có văn bản đôn đốc công ty hoàn thành việc chi tiền hỗ trợ cho các hộ dân vào đầu tháng 2- 2015”.

Không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường, tác động trực tiếp đến sức khỏe, việc xả thải thường xuyên của công ty (dù đã bị nhắc nhở, xử phạt nhiều lần) làm suy giảm phần nào lòng tin vào việc thực thi bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Vì vậy, các biện pháp xử lý hiện trạng gây ô nhiễm của công ty Hóa Sinh nói riêng, các cơ sở, doanh nghiệp nói chung cần được thực hiện tích cực, triệt để.