Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013: Nền tảng ý chí và nguyện vọng nhân dân

(VOH) - Năm 2013, đất nước ta vừa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như kinh tế chậm được khắc phục cùng với những vấn đề mới phát sinh tác động không thuận lợi đến sản xuất và đời sống nhân dân, thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nặng nề. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và đồng bào cả nước, tình hình kinh tế-xã hội năm qua đã có những chuyển biến đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát. Hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị-xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến. Và sự kiện chính trị nổi bật trong năm qua đó là Hiến pháp 1992 sửa đổi được Quốc hội thông qua, một lần nữa ý Đảng quyện với lòng dân, khẳng định sự tin yêu của nhân dân đối với Đảng và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Xã hội thêm đồng thuận, lòng dân thêm yên và vận nước sẽ lên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng khẳng định: Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - năm 2013 được ban hành là sự kiện chính trị - pháp lý có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là một quá trình làm việc rất công phu, nghiêm túc, khoa học và thật sự dân chủ. Với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ từ ý kiến đóng góp của nhân dân, các cơ quan có trách nhiệm, các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, tâm huyết để cuối cùng có được một bản Hiến pháp sửa đổi với sự đồng thuận rất cao. Điều đó chứng tỏ Hiến pháp mới đã phản ảnh được ý chí và nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam. Từ ngày 1/1/2014, Hiến pháp 2013 chính thức có hiệu lực. Việc triển khai, thực thi Hiến pháp 2013, một lần nữa, đòi hỏi sự nỗ lực đóng góp công sức trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.
 

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua việc sửa đổi Hiến pháp - Ảnh: TNO

“Có lẽ trong lịch sử lập hiến của nước ta, hiếm có một cuộc sinh hoạt chính trị - pháp lý nào được nhân dân trong và ngoài nước tham gia đóng góp một cách đông đảo, dân chủ, sâu rộng và thực chất như đợt lấy ý kiến đóng góp cho Hiến pháp 1992 sửa đổi - Hiến pháp được tuyệt đại đa số nhân dân đồng thuận”, Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM mở đầu câu chuyện ngày xuân bằng nhận định này. Trong các nhiệm kỳ ngồi ở hàng ghế "nóng" Quốc hội, với kiến thức sâu rộng, đóng góp nhiều giải pháp có giá trị, thực tế cho đất nước, hơn ai hết, Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch nắm chắc, hiểu rõ tầm quan trọng của bản Hiến pháp mới được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Ông cho rằng Hiến pháp 2013 là nền tảng pháp lý, chính trị vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, tạo cơ sở hiến định để tiến hành công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển trong tình hình mới. Tuy nhiên, theo ông Trần Du Lịch, để triển khai và đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống, hệ thống văn bản pháp luật phải kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới, bảo đảm đúng với tinh thần, nội dung của Hiến pháp. Đây là công việc rất nặng nề, phức tạp với khối lượng rất lớn, từ những dự án Luật và Pháp lệnh, đến các văn bản dưới Luật, cần phải được rà soát, sửa đổi bổ sung để bảo đảm hiệu lực thi hành của Hiến pháp 2013.



Tiến sĩ Trần Du Lịch khẳng định, những gì nhân dân kiến nghị đều được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội và có quy định trong Hiến pháp mới. Ngoài việc đề cao quyền con người, quyền công dân, lần này, Hiến pháp 2013 cũng mở ra nhiều điểm mới để TPHCM tiến hành xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tạo được khuôn pháp lý cho mô hình này. Ông Trần Du Lịch cho biết, trong năm 2014, Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ ban hành, trong đó làm rõ các mô hình như: chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và tổ chức các đặc khu kinh tế hành chính. Chậm nhất là vào kỳ họp thứ 8, tức khoảng tháng 10/2014, Luật này sẽ được thông qua: “Bước vào mùa xuân năm 2014 này, Tết Giáp Ngọ, chúng ta đón chào bản Hiến Pháp mới. Điều mà cử tri TPHCM và nhân dân cả nước kỳ vọng là làm sao đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống. Đặc biệt có chương rất tiến bộ, là quy định quyền và nghĩa vụ của công dân, các quy định mà trong hiến pháp lần này bảo đảm những quyền cơ bản người dân, mà những quyền này, muốn triển khai, phải thông qua các đạo Luật. Có lẽ trong mùa xuân mới này, chúng ta kỳ vọng sẽ ban hành một số Luật có liên quan, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương để triển khai thí điểm đề án chính quyền đô thị. Chúng ta đón xuân, nhưng với đại biểu quốc hội, chúng tôi thấy trách nhiệm rất nặng nề để tham gia xây dựng hệ thống pháp Luật nhằm triển khai Hiến pháp trong năm mới 2014”.


Với nền tảng Hiến pháp 2013 sẽ góp phần kiểm soát, quản lý tốt tình hình đất nước, xử lý đúng và mạnh tay đối với tiêu cực, tham nhũng. Bởi, mùa xuân của dân tộc chỉ có thể phát triển từ chính nội lực trong dân, khai thác được những lợi thế tiềm lực để làm giàu cho đất nước. Để làm được điều đó, việc triển khai Hiến pháp 2013 vào mùa xuân đầu tiên phải được thực hiện một cách nghiêm túc, nhanh chóng và trách nhiệm. Ông Trang Hồng Châu - Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường 6, quận 8 bày tỏ: “Hiến pháp sửa đổi đã thể hiện được ý chí đông đảo của cử tri, thì đây là một trong những Hiến pháp tổ chức cho cử tri tham gia rộng rãi với thời gian khá dài, được tiếp thu, chỉnh lý, thể hiện rất rõ quyền dân chủ, tự do của công dân, được đề cập, nhấn mạnh trong Hiến Pháp so với Hiến pháp trước đó. Đồng thời, khẳng định vai trò của Đảng cộng sản VN”.

Từ khi góp ý, cho đến khi Hiến pháp được thông qua và triển khai, ông Đinh Văn Huệ cùng các cử tri khu phố 7 phường 15, quận 10 vẫn dõi theo các cuộc họp của Quốc hội. Điều làm ông phấn khởi, là Hiến pháp 2013 nhận được sự đóng góp của hàng chục triệu ý kiến, thể hiện sự nhất trí và đồng thuận cao của nhân dân cả nước. Ông Đinh Văn Huệ cho rằng, lịch sử đã chứng minh, nếu không có sự lãnh đạo của Đảng, thì chúng ta không thể có một cuộc sống yên bình như hôm nay. Bước vào mùa xuân mới, với nhiều nguy cơ, thách thức tiềm ẩn, nhưng với Hiến pháp 2013 triển khai, ông Đinh Văn Huệ tin tưởng Việt Nam sẽ ổn định nền kinh tế và giữ vững sự bình an trong môi trường chính trị - xã hội. Chính các nhân tố ấy tạo nền tảng căn cơ để chúng ta vững vàng đi lên: “Chúng tôi tin tưởng, Hiến pháp lần này giải quyết nhiều vấn đề phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước mà xã hội đang bức xúc, đòi hỏi, để bổ sung, giải quyết những tồn tại. Chúng tôi rất tin tưởng và đang chờ đợi có sự hướng dẫn cụ thể ở từng cấp chính quyền, để lãnh đạo nhân dân học tập, triển khai thực hiện. Chúng tôi ở cơ sở, là những cán bộ nghỉ hưu, nhưng tham gia, vận động nhân dân học tập, quán triệt, ủng hộ để thực hiện cho được những điều của Hiến pháp”.


Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tiên của năm 2014, theo Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, đó là một sự thỏa mãn rất lớn đối với cử tri cả nước. Bởi, có rất nhiều vấn đề mà ông cũng như nhiều cử tri trăn trở lâu nay đều được tiếp thu, thể hiện rõ trong một số quy định của Hiến pháp. Điều đó cho thấy tiếng nói của cử tri đã được Quốc hội ghi nhận và tôn trọng. Đặc biệt, các chương liên quan đến quyền con người hết sức có ý nghĩa khi Việt Nam vừa được bầu làm thành viên Ủy Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào năm 2013 vừa qua. Tiến sĩ Hồ Hữu Nhựt nói: “Hiến pháp lần này, Việt Nam đã tham gia vào Ủy ban nhân quyền của thế giới và Liên hiệp Quốc bỏ phiếu cho Việt Nam rất đông. Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề này, do đó, quyền con người, mặt trận, nhân dân, Hiến pháp phải làm rõ quyền lợi đó, Đảng thì lãnh đạo như thế nào cho sáng suốt, anh minh, tài năng còn dân thì phải vững vàng, chính quyền minh bạch, cả ba bộ phận đó đưa đất nước mình tiến rất vững chắc trong giai đoạn tới”.


"Tin tưởng Hiến pháp 2013 khi triển khai sẽ tạo nền tảng bảo vệ, duy trì sự ổn định về chính trị, kinh tế; dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ ta sẽ vững vàng" - đó là chia sẻ của Phó Giáo sư triết học Hải Sâm - người cán bộ cách mạng lão thành cả đời cống hiến cho đất nước, đã trải qua hơn 80 mùa xuân và 68 năm tuổi Đảng. Trước thềm năm mới, Phó Giáo sư triết học Hải Sâm tin rằng: "Bản Hiến pháp mới đã được ban hành cùng với Luật đất đai mới sửa đổi sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển đất nước, đem đến sự phấn khởi cho cử tri, an dân và tạo sự đồng thuận cao. Việc cấp thiết trước mắt là phải nỗ lực triển khai thực hiện Hiến pháp 2013 và Luật đất đai mới sửa đổi, đưa các văn bản Luật này sớm đi vào cuộc sống. Làm được như vậy thì hai nỗi sợ: không công bằng và lòng dân không yên sẽ được đẩy lùi, như Bác Hồ đã từng nhắc nhở chúng ta: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Phó Giáo sư triết học Hải Sâm bày tỏ suy nghĩ cùng với lời chúc đầu xuân Giáp Ngọ 2014: “Một mùa xuân mới lại đến với dân tộc, tôi có một số suy nghĩ: Trước tiên, Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao năng lực quản lý xã hội của Chính phủ, thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ quan, hệ thống nhà nước phải làm tốt hơn, triệt để hơn, đầy trách nhiệm hơn. Cuối cùng, xin cảm tác để chào mừng Giáp Ngọ 2014 bài thơ: Giáp Ngọ tung hoành trải bốn phương/ Lục lạc leng keng khắp mọi đường/ Mai vàng khoe sắc nhà vui tết/ Đào thắm rực màu đất ngát hương/ Đảng siết dây cương đi đúng hướng/ Dân theo nghị quyết tiến chung đường/ Cùng phi nước đại mau tới đích/ Giữ chặt cương thường đúng Hiến chương”.


Mùa xuân mới Giáp Ngọ 2014 chứa đựng niềm vui mênh mông của cả dân tộc về sự đổi thay mạnh mẽ trong tương lai, bởi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 với nhiều điểm mới, ưu việt, phù hợp với thực tiễn đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 và đã được triển khai thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Hiến Pháp mới đã phản ảnh ý chí, nguyện vọng của nhân dân ta, ý Đảng lòng dân được hòa quyện sâu sắc. Đó là bảo đảm về chính trị, pháp lý vững chắc cho toàn thể dân tộc ta, đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức của thời kỳ mới, vững bước tiến vào giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Tôi đề nghị quán triệt trong toàn ngành, toàn cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương mình nội dung của Hiến Pháp, chỉ thị của Ban Bí thư, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, và có kế hoạch thiết thực, phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng địa phương và các đoàn thể để triển khai, thi hành Hiến pháp diễn ra đúng mục đích, yêu cầu và thu được kết quả. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của Đảng ta, sự nỗ lực đóng góp công sức trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp một cách toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả”.


Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 đã ghi dấu ấn vào lịch sử lập hiến của nước nhà, viết tiếp những trang mới đầy hy vọng, khơi dậy niềm tin mãnh liệt của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta từng trải qua nhiều thử thách, và mỗi giai đoạn lại có những thách thức mang tính thời cuộc. Tin rằng đồng bào cả nước sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực, ý chí, trí tuệ, bản lĩnh và tính cách dân tộc được vun bồi từ bề dày truyền thống lịch sử, từ chiều sâu văn hóa, thực hiện tốt đợt triển khai thi hành Hiến pháp 2013 trong mùa xuân đầu tiên - xuân Giáp Ngọ 2014, tạo nền tảng vững chắc để đất nước vươn mình phát triển đi lên, nhân dân được sống trong yên bình và hạnh phúc.