Họ đã sống một thời như thế

(VOH) - Suốt chiều dài lịch sử đất nước, không thể đếm hết những cuộc chia ly vì nghĩa lớn của dân tộc. Có người may mắn đoàn tụ, có người vĩnh viễn chia cắt, thế nhưng câu chuyện về sự hy sinh cao cả đó vẫn còn sống mãi theo năm tháng.

Đôi mắt đã kém đi nhiều, không còn nhìn thấy mặt con chữ, thế nhưng khi lần giở những hồ sơ, kỷ vật một thời đi B của mình, ông Lê Ngọc Bòn (hiện ngụ tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM) bỗng rưng rưng xúc động như được quay về với ký ức của mấy mươi năm trước.

Năm 1951, ông Bòn và em trai xung phong vào du kích địa phương, chiến đấu đến năm 1954 thì Hiệp định Genève được ký kết. Theo chỉ thị của cấp trên, ông cùng hàng vạn thanh niên, học sinh, trí thức miền Nam tập kết ra Bắc với khí thế bừng bừng và niềm tin mãnh liệt về ngày đoàn tụ không xa.

Tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa khi ấy, anh bộ đội Cụ Hồ ngày nào giờ đã trở thành người thợ cơ khí giỏi của Nông trường Sông Bôi và Nông trường 2/9. Cũng chính nơi đây, ông đã gặp và kết duyên với vợ mình - cũng là công nhân của Nông trường. Mối tình của chàng trai miền Nam và cô gái miền Bắc càng sâu đậm hơn khi tháng 9/1973, vợ ông sinh đứa con trai đầu lòng. Niềm vui chưa được bao lâu thì 2 tháng sau ngày chào đời của con trai, ông Bòn đột ngột nhận lệnh về Nam chiến đấu. Ông nói, lúc ấy không thấy buồn, thấy tiếc gì cả, mà chỉ thấy bất ngờ và vui sướng mà thôi. Suốt mười mấy năm công tác ngoài Bắc, ông và các đồng chí, đồng đội luôn chờ đợi giây phút này, giây phút được trở về mảnh đất miền Nam ruột thịt. Hiểu được ý nguyện đó, vợ ông không cản ngăn gì, bà chỉ lẳng lặng thu xếp, kê khai giấy tờ giúp ông gửi ra Ủy ban Thống nhất Chính phủ, để chồng yên tâm lên đường chiến đấu. Không như lẽ thường, ông bà chia tay nhau không có nước mắt, mà chỉ có lời dặn dò nhau hãy cố gắng sống, cố gắng công tác và nuôi con thật tốt để chờ ngày đoàn tụ. Ngày ấy chắc chắn sẽ là ngày đoàn viên của cả dân tộc.

Vậy là, tháng 11/1973, gác lại sau lưng gia đình nhỏ, ông Bòn hành quân vào chiến trường miền Nam ác liệt. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng hơn 1 năm, ông mới ra Bắc đón được vợ con vào sống cùng mình. Con trai ông khi đó đã được 3 tuổi, tuy xa cha từ khi vừa chào đời, vậy nhưng lúc gặp lại vẫn ùa vào lòng ông nói cười tíu tít. Cuối cùng thì sau bao ngày xa cách, gia đình ông cũng được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc sum vầy.

Giờ ở tuổi hơn 80, trí nhớ đã giảm sút, song khi được hỏi về những trận đánh, về đồng đội năm xưa, ông Bòn vẫn có thể kể rất rành mạch từng chi tiết. Nhất là khi được cầm trên tay những kỷ vật của một thời hoa lửa, trong ông lại dâng lên niềm xúc động và tự hào:

Con gái ông Bòn, chị Lê Thị Hồng Anh cũng bày tỏ:


Một số kỷ vật trong “hồ sơ, kỷ vật đi B” - Ảnh: Giadinh.

Nhiều năm đã qua, những cán bộ - chiến sĩ đi B năm nào giờ người còn, người mất. Vì vậy, việc trao trả những bộ hồ sơ, kỷ vật này lại càng có ý nghĩa. Đến thăm gia đình ông Lê Văn Minh - con trai của ông Lê Văn Cấm (tức Lê Minh Tâm) - cán bộ đi B được trao trả hồ sơ đợt này, chúng tôi được nghe thêm một câu chuyện cảm động.

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, từng đi làm công nhân cho xưởng tàu của Pháp nên từ nhỏ, ông Cấm đã chứng kiến bao cảnh áp bức, bóc lột tàn bạo của quân xâm lược trên quê hương mình. Chính lòng sục sôi yêu nước đó đã thúc giục ông cầm súng chiến đấu, tham gia Cách mạng tháng 8/1945. Thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2, ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo, nhưng ông đã dũng cảm, mưu trí vượt ngục thành công, trở về tiếp tục tham gia kháng chiến.

Khi tập kết ra Bắc năm 1954, ông để lại người vợ và đứa con thơ còn ẵm ngửa, với lời hẹn ước 2 năm sẽ trở về. Ấy vậy mà đến hơn 20 năm sau, cha con ông Cấm mới được gặp mặt nhau. Ông Lê Văn Minh - con trai ông Cấm bồi hồi nhớ lại:

“Năm 1962, cha tôi đã vào Nam công tác nhưng không cách nào tiếp cận được gia đình vì sự theo dõi gắt gao của địch. Tới tận năm 1972, tôi và mẹ mới được gặp ông tại nhà của một người dân làm giao liên. Cuộc gặp gỡ diễn ra hết sức ngắn ngủi, chỉ chừng 15 phút vì ngay sau đó, ông được tin báo là giặc đang bao vây để bắt mình. Nồi cháo nấu chưa kịp sôi, chưa kịp ăn cùng cha bữa cơm nào thì gia đình tôi lại phải chia cắt…”.

Mãi sau 30/4/1975, gia đình ông Cấm mới được đoàn tụ, ông tiếp tục tham gia công tác chính quyền ở địa phương và thành phố. Ở cương vị nào, ông cũng giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng vì nước vì dân. Dù đã mất từ năm 2009, nhưng những mẩu chuyện, những hồi ức, kỷ vật về một thời hào hùng của ông vẫn được con cháu khắc ghi, gìn giữ.

Đại diện nhận lại hồ sơ đi B của cha mình đợt này, ông Lê Văn Minh xúc động:

Những cán bộ, chiến sĩ đi B năm xưa, hẳn ai cũng có những mong ước, khát vọng cho riêng mình. Không ít người trong số họ ngày lên đường khi con thơ mới cất tiếng khóc chào đời, khi còn mẹ cha già yếu, khi hạnh phúc lứa đôi còn chưa trọn… vậy nhưng họ vẫn đi. Đi vì một lý tưởng của thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của những con người “chân trần - chí thép”. Không có gì đảm bảo cho ngày trở về, chỉ có niềm tin mãnh liệt của người ra đi và sự hy sinh cao cả vì nghĩa lớn của người ở lại, ấy vậy mà họ đã chờ đợi nhau đến hơn 20 năm. Dẫu biết không có sự bù đắp nào là đủ cho vết thương chiến tranh, thế nhưng việc trao trả hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B của TPHCM lần này có thể nói là một nghĩa cử nhân văn, xúc động và thiết thực, nhằm tri ân những con người đã hiến dâng tuổi trẻ cho đất nước, vì một ngày “

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa Xuân”