"Hoa mặt trời" của người cựu chiến binh

(VOH) - Năm 2006, thực hiện Nghị quyết 16 của Quốc hội về quản lý và hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập với đời sống cộng đồng, Hội cựu chiến binh phường 8, quận Tân Bình nhận trách nhiệm tiếp nhận, quản lý 53 đối tượng trong diện tái hòa nhập trên địa bàn phường. Với cương vị là chủ tịch Hội CCB phường, khi đó thiếu tá – CCB Phan Phục luôn trăn trở trong lòng nhiều câu hỏi, trước hết là làm sao để giúp các đối tượng tự tin bước qua mặc cảm, làm sao để giúp họ nhanh chóng hòa nhập với đời sống cộng đồng, rồi làm thế nào tạo dựng được trong họ lòng tin để làm lại cuộc đời? Đến nay, sau hơn 3 năm sát cánh cùng những người một- thời- lầm -lỗi, trăn trở đó giờ đã có được lời giải.

Ngay từ ngày tiếp nhận danh sách các đối tượng, nhiều người cũng bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng giúp đỡ, giáo dục và cảm hóa của các cựu chiến binh. Sự nghi ngờ của họ không phải thiếu cơ sở, bỡi các đối tượng này ít nhất đã từng có một lần lầm đường lạc lối. Hơn nữa, 53 con người là 53 cuộc đời. Nhưng với cựu chiến binh Phan Phục, ông lại nhận ra ở họ có một điểm chung rất lớn: đó là ước mơ, là khát khao làm lại cuộc đời. Thế nên, ông đã nhanh chóng tập hợp tất cả họ lại trong một câu lạc bộ có tên “Hoa mặt trời”, trong đó ông là chủ nhiệm.

Đều đặn mỗi tháng sinh hoạt từ một đến hai lần. Trong những buổi sinh hoạt đó, hội viên trong câu lạc bộ được tuyên truyền, giáo dục nhận thức về tác hại của ma túy, hậu quả của nó đối với bản thân, gia đình và xã hội. Để tránh tuyên truyền và giáo dục hình thức, ông đã đi sâu hỏi han, chia sẻ và động viên hoàn cảnh của từng hội viên. Từ đó, mới tìm ra phương pháp giáo dục và giúp đỡ phù hợp. Ông Phan Phục tâm sự:

Giáo dục nhận thức thôi chưa đủ. Bản thân ông cũng nhận thấy rằng: cần phải giáo dục cho họ lao động và giá trị của sức lao động. Chỉ có lao động mới giúp họ không còn thời gian để suy nghĩ nhiều về quá khứ. Tuy nhiên, khó khăn mà phần lớn các hội viên trong câu lạc bộ “Hoa mặt trời” gặp phải là trình độ học vấn thấp, lại chưa có nghề nghiệp gì cụ thể. Vì vậy, cơ hội có việc làm đối với họ không phải dễ dàng. Bằng uy tín và danh dự của mình trong các mối quan hệ, ông đã đứng ra bảo đảm việc làm cho nhiều hội viên trong câu lạc bộ. Dù mức thu nhập không cao, ít ổn định, nhưng những công việc như giữ xe, rửa xe, nhân viên bảo vệ…cũng giúp cho các hội viên trong câu lạc bộ “Hoa mặt trời” có điều kiện tiếp xúc, từng bước hòa nhập với cuộc sống đời thường.

 Tuy nhiên không phải lúc nào và ở đâu, những lao động do ông giới thiệu cũng được tuyển dụng vào làm việc. Nhiều trường hợp, người ta thẳng thừng từ chối lao động của “Hoa mặt trời” với lí do thiếu tin tưởng. Mỗi lần như thế, cựu chiến binh Phan Phục không khỏi lo lắng. Tuy nhiên ngược lại, những cố gắng của cựu chiến binh Phan Phục đã được các Hội viên ghi nhận. Dù không ai nói ra, nhưng tất cả đều biểu lộ sự hàm ơn trong từng ánh mắt, từng cử chỉ. Anh Phạm Đình Phát, một trong những hội viên câu lạc bộ “Hoa mặt trời” kể lại với chúng tôi:

Người thuê lao động từ chối những người làm như anh Phát, điều này cũng đồng nghĩa với việc: lao động sau cai nghiện chưa lấy được niềm tin của xã hội… Nhưng không phải là không thể. Đó là một thực tế khó khăn. Và một lần nữa phẩm chất của anh lính bộ đội cụ Hồ lại thôi thúc cựu chiến binh Phan Phục phải tìm kiếm phương pháp khác để giúp đỡ, động viên, tạo chỗ dựa tình thần cho anh, em hội viên. Và ông đi đến quyết định thuyết phục chính quyền địa phương, các đồng chí, đồng đội của mình: dành một phần nguồn vốn ít ỏi cho vay CCB nghèo để giúp hội viên CLB “Hoa mặt trời”có vốn để tạo dựng cuộc sống. Bên cạnh đó, ông cũng đã kêu gọi   các doanh nghiệp chung tay góp sức tạo nguồn vốn, từ đó trao cho các thành viên “Hoa mặt trời” cơ hội làm chủ con đường tiến thân của mình.

 Đến nay, qua hai năm, gần 80 lượt thành viên CLB “Hoa mặt trời” đã được vay với số tiền hơn 200 triệu đồng. Nhờ được định hướng từ trước nên thành viên được vay đều đầu tư đúng mục đích. Một trong những điển hình như thế là anh Bùi Ngọc Thành, ở đường Lạc Long Quân, phường 8, quận Tân Bình. Cuối năm 2007, được Hội CCB xã đứng ra tín chấp vay với số tiền 10 triệu đồng, anh đã đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị- rồi nhận gia công lại hàng may mặc cho các cơ sở, doanh nghiệp lớn. Thấy làm ăn thuận lợi, năm 2009 anh đã nhận thêm 5 lao động khác vào làm việc, với mức thu nhập gần 15 triệu đồng/năm. Trao đổi với phóng viên, anh cho biết: do biến động của thị trường nên 2010 công việc của anh sẽ gặp không ít khăn. Nhưng vì suốt ngày phải quay vòng lo cái ăn, cái mặc cho gia đình và 5 lao động nữa nên anh đã không còn thời gian để nghĩ về những gì diễn ra trong quá khứ. Anh cho biết:

Bên cạnh việc chú ý, tạo công ăn, việc làm cho các thành viên trong CLB “Hoa mặt trời”, người lính – CCB Phan Phục còn đặc biệt quan tâm đến việc làm giàu đời sống tinh thần cho anh em. Tinh thần, suy nghĩ có lạc quan thì thành viên trong CLB mới tự tin khẳng định mình và hòa nhập cuộc sống. Để làm được điều này, ông thường xuyên tạo điều kiện cho các thành viên có dịp giao lưu, trao đổi lẫn nhau thông qua những đợt sinh hoạt tập trung, hoặc đi dã ngoại. Trao đổi với chúng tôi, ông nói:

Bằng những phương pháp như thế, thành viên CLB “Hoa mặt trời” bước đầu đã tạo được niềm tin đối với người thân, bạn bè và xã hội. Nhận xét về hiệu quả hoạt động của CLB “ Hoa mặt trời”, ông Hoàng Văn Tám, phó Chủ tịch Hội CCB quận Tân Bình nói:

Đến tháng 11/2010, “Hoa mặt trời” tròn 3 tuổi. 3 năm gắn bó cùng những thành viên của CLB, thiếu tá – CCB Phan Phục đã đút rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc quản lí, giáo dục các đối tượng sau cai. Nhờ vậy, đến nay những thành viên trong CLB “Hoa mặt trời” đã tự tin hơn trong cuộc sống, từng bước xây dựng được niềm tin ở người thân, gia đình và xã hội.

Hữu Nghị