Huyền thoại về đội quân tóc dài trong phong trào Đồng Khởi Bến Tre

(VOH) - Đã 60 năm trôi qua, nhưng thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960 ở tỉnh Bến Tre cũng như toàn miền Nam đến nay vẫn còn nguyên bài học giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ra đời từ phong trào Ðồng Khởi năm 1960, “Ðội quân tóc dài” đã phối hợp ba mũi tiến công: chính trị, vũ trang, binh vận tạo thành sức mạnh tổng hợp giành được nhiều chiến công khiến quân thù khiếp sợ. Đội quân tóc dài ra đời từ phong trào Đồng khởi gồm các mẹ, các chị không ngại nguy hiểm, đấu tranh trực diện với kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Phong trào Đồng khởi năm 1960 ở tỉnh Bến Tre đã trở thành bước ngoặt của cách mạng miền Nam, là nét son chói lọi trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta do bà Nguyễn Thị Định thời điểm đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre chỉ huy. Lực lượng ta đã đứng lên bao vây đồn bốt, bắt, trừng trị những tên ác ôn và thu nhiều vũ khí của kẻ thù. Từ ngày 17 - 24/01/1960, ở 47 xã của tỉnh Bến Tre, lực lượng nổi dậy đã tiêu diệt 37 đồn bốt, bắt 300 tên địch, thu 150 súng và nhiều đạn dược; giải phóng hoàn toàn 22 xã và 18 ấp.

Là người trực tiếp chứng kiến phong trào Đồng Khởi khi mới 10 tuổi, Thiếu úy Lê Thị Hồng – Xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, hồi đó bà là chiến sỹ đơn vị biệt động tỉnh Bến Tre nhớ lại: Để chuẩn bị cho phong trào, các dì, các mẹ đã bó nhiều đuốc, chuẩn bị nhiều mỏ tre. Còn các em thiếu nhi cùng các bà các mẹ đốt đuốc đánh mõ vang khắp xóm. Bà cho biết lý do mình tham gia kháng chiến là bởi vì trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, chứng kiến hình ảnh những người dân quê mình, những bạn học sinh ở Trường Long Mỹ, Giồng Trôm bị Mỹ ném bom giết chết rất nhiều người. Từ sự căm thù đó bà cùng với rất nhiều học sinh khác đăng ký vào bộ đội. "Bị giặc bắt 3 lần, chúng tra tấn bằng điện, đánh móp sườn non nhưng mình vẫn giữ vững lập trường, kiên quyết không khai báo. Sau đó chúng dùng đến việc phá hoại trinh tiết của người phụ nữ, khi đó tôi phải nhập viện cấp cứu. Sau đó trở về lại tiếp tục cùng đơn vị chiến đấu. Bởi những hành động thô bạo và tra tấn dã man của giặc làm mình căm thù và ý chí chiến đấu càng cao hơn"

Thiếu úy Lê Thị Hồng – Xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre

Còn bà Phan Thị Kiếm – nhớ lại, khi đó bà theo má tham gia phong trào Đồng Khởi khi 16 tuổi. Hiện nay bà vẫn ở Mỏ Cày Nam, xã Bình Khánh Đông, ấp Phước Tân, tỉnh Bến Tre. Bà kể: Đêm đó Má và những dì khác khoảng mấy chục người kéo nhau đi đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ mà không có ai làm chỉ huy mang theo biểu ngữ với khẩu hiệu:“Đả đảo Ngô Đình Diệm cút khỏi miền Nam Việt Nam. Ủng hộ Hồ Chí Minh muôn năm”. Nhưng ngay sau đó bị bọn lính lùa xuống kênh và nhận xuống nước rồi đánh đập. Năm 1961 bà chính thức tham gia vào quân đội và được cho đi học văn hóa. Cũng năm đó anh hai của bà bị địch bắn chết. Khi chiến tranh kết thúc thì gia đình bà có 2 người hy sinh, má của bà sau này được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng. Đứa em kế cũng là thương binh hạng ¾. 

Bản thân bà kể từ khi được vào tiểu đội nữ đầu tiên của tỉnh Bến Tre, cũng nhiều lần bị bắt và bị thương nặng: "Đi bộ đội, nếu không đi là chết, tối ngày không dám đi làm. Đi vô đấu tranh thì nó bắt bỏ ngâm nước, phơi nắng cùng với mấy bà ban chỉ huy công khai. Nó lấy thanh sắt xáng vô cái lưng Dì bịch, bịch. Tối bọn lính nó ngủ thì mấy bà thả bánh mì vô cho mình ăn. Sau nó đi tản cư ở chợ Nhồi. Dì cầm súng vô vùng biên, đánh trái, rồi chọi lựu đạn vào mấy quán ăn. Cô giựt trái ném nổ cái rần, chết hai thằng. Rồi lấy súng bắn nó, nhưng nó bắn lại chát chát trên đầu mình"

Có không ít huyền thoại nói về đội quân đặc biệt – Đội quân tóc dài tay không tấc sắt, nhưng họ có mặt khắp mọi nơi đương đầu với đại bác, các loại vũ khí hiện đại của quân địch, ngăn chặn những trận càn tàn phá xóm làng của chúng.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh đã thêm một minh chứng sinh động về sự sáng tạo của đường lối đấu tranh chính trị kết hợp với võ trang và binh vận mà về sau đã trở thành phương châm chỉ đạo chiến lược cho cao trào đồng khởi của toàn miền Nam. Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Võ Ái Hòa cho biết: Thắng lợi của cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre 1960, trong đó đội quân tóc dài đóng góp một vai trò rất quan trọng cho phong trào cũng như cuộc đấu tranh cách mạng tại miền Nam Việt Nam. Cách đấu tranh rất đơn thuần, người phụ nữ tay không đánh giặc nhưng đã làm cho quân thù khiếp sợ. Và đội quân này có một điểm rất đặc biệt là xuất phát từ lòng căm thù giặc của các cô, các chị, từ đó hình thành một lực lượng đấu tranh và góp phần làm cho phong trào đồng khởi thành công: "Đối với phụ nữ Bến Tre chúng tôi rất tự hào, chính các cô, các dì là những thế hệ đi trước đã góp công sức hy sinh to lớn để cho phong trào Đồng Khởi cũng như phong trào cách mạng của miền Nam đã dẫn đến thắng lợi. Tiếp nối truyền thống đó của “đội quân tóc dài” chúng tôi là những phụ nữ Bến Tre trong phong trào xây dựng đất nước cũng như phong trào đồng khởi mới chúng tôi đã thực hiện các nhiệm vụ cũng như phong trào của phụ nữ cũng sẽ góp sức với tỉnh Bến Tre xây dựng tỉnh Bến Tre ngày càng phát triển"

Bà Võ Ái Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre

Nhắc đến đội quân tóc dài Đại tá Khuất Biên Hòa – Trợ lý, thư ký giúp việc cho nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh không khỏi khâm phục. Khi đó Tỉnh ủy Bến Tre tập hợp hơn 5.000 phụ nữ gồm đủ các thành phần, lứa tuổi, tổ chức thành một đoàn hơn 200 ghe xuồng kéo vào quận Mỏ Cày, đòi chữa chạy cho những người bị thương, cung cấp thuốc men, thực phẩm, gạo thóc cho đồng bào và yêu cầu địch ra lệnh rút quân để bà con yên ổn làm ăn. Đến ngày thứ 12 của cuộc đấu tranh, trước sức mạnh của những phụ nữ không một tấc sắt trong tay, cả binh đoàn sừng sỏ của địch đành phải rút lui, bỏ dở cuộc hành quân: "Người phụ nữ là người giỏi nhất trong việc luồn lách, xâm nhập và qua mặt quân thù để đưa vũ khí, chuẩn bị lực lượng để cho bộ đội tấn công những mục tiêu quan trọng nhất làm cho Mỹ choáng váng thì công lao của các mẹ Việt Nam nói riêng và phụ nữ Việt am nói chung là vô cùng to lớn. Những người lính bộ đội cụ Hồ chúng tôi luôn kính cẩn nghiêng mình tôn trọng và vô cùng biết ơn sự cống hiến to lớn và hy sinh của các bà mẹ Việt Nam. Không phải cứ cầm súng bắn vào kẻ thù mới là sức mạnh mà các mẹ, các chị có sức mạnh hơn cả những binh đoàn"

Đại tá Khuất  Biên Hòa.

Là người luôn đi tìm những tư liệu lịch sử về trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Nhà Văn Trầm Hương xúc động nói: Để có cuộc đồng khởi đó là sự hy sinh rất nhiều năm để giữ kho vũ khí ngay trong lòng địch. Làm vợ thật mà phải nói làm vợ bé và khoác lên vai rất nhiều uẩn khúc, nỗi đau để giữ đường dây huyết mạch giao liên, làm tình báo để lấy được tin tức cho quân đội. Thật ra bên phía Mỹ khi hoạch định kế hoạch cho chiến tranh họ cũng không hình dung ra một đội quân thầm lặng nhưng hết sức kỳ lạ là đội quân tóc dài. Họ có mặt ở tình báo, là những nữ giao liên dũng cảm mưu trí, là những chiến sỹ gan dạ, nữ pháo binh như chị Hai Bé trong trận chiến 128 ngày đêm đã bắn pháo và làm cho Trung tướng S.K tử trận. Tôi hình dung nếu trong 2 cuộc kháng chiến đó nếu không có những người phụ nữ thì cục diện sẽ ra sao khi  những người mẹ đã hy sinh con của mình, hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho hòa bình thống nhất hôm nay. "Chúng ta tự hào nhưng bên cạnh đó là một nỗi ngậm ngùi một số chân dung những người phụ nữ đã làm nên phong trào lịch sử đồng khởi ở Bến Tre. Một số tuổi cao sức yếu, một số người ra đi và một số người thì bận bịu với cuộc đời thường, làm vợ, làm mẹ, làm bà. Thực ra để có được phong trào đồng khởi này bà Nguyễn Thị Định xác định phải tản cư ngược. Bây giờ đã đấu tranh được rồi thì phải đưa những người ở quê lên thị xã để làm cái áp lực. Và đó là một trong những cái thắng lợi  từ lòng dũng cảm của những người phụ nữ không chỉ đứng trên mũi súng mà dũng cảm bước ra định kiến. Đây là đốm lửa nhỏ của những người phụ nữ nhưng nó lan rộng"

Dù bị đàn áp, tra tấn dã man, các mẹ, các chị trong Đội quân tóc dài vẫn một lòng kiên trung, giữ vững khí tiết, góp phần làm nên cuộc đồng khởi thần kỳ. Bà Huỳnh Ngọc Vân – nguyên Giám đốc Bảo tàng chiến tích chiến tranh nhận xét: Phụ nữ Việt Nam luôn thông minh, sáng tạo cho nên trong cuộc chiến tranh với điều kiện rất khó khăn nhưng mỗi phụ nữ có một biện pháp riêng khi thì thì dùng tình cảm khi thì dùng sức mạnh, có khi dùng cả nhan sắc nữa để có thể giành được chiến thắng: "Từ hàng ngàn năm trước đây ở Việt Nam đã có truyền thống của một đội quân tóc dài, và đội quân đó đã góp phần rất to lớn dành lại độc lập tự do cho đất nước, gìn giữ độc lập tự do. Cho nên đội quân tóc dài của Bến Tre đã lan tỏa đến các tỉnh thành khác của Nam Bộ chính là đội quân đã kế thừa truyền thống hàng ngàn năm, bất cứ khi nào tổ quốc lâm nguy thì đều xuất hiện đội quan tóc dài như vậy với nhiều hình thức đấu tranh khác nhau và góp phần bảo vệ đất nước"

Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phụ nữ Bến Tre có 1.053 liệt sĩ, 938 thương binh, 251 bệnh binh, 2.164 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hai tập thể nữ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 15 nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đã 60 năm trôi qua, nhưng thắng lợi của phong trào Đồng khởi 1960 ở tỉnh Bến Tre cũng như toàn miền Nam đến nay vẫn còn nguyên bài học giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Phong trào Đồng khởi là sức mạnh tổng hợp, là chiến công lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những bài học sâu sắc, quý báu của Đảng và quân đội ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để tiếp tục làm nên cuộc “Đồng khởi mới”; góp phần thắng lợi vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

 

( áo bà ba tím)

 

Ảnh: Thiếu úy Lê Thị Hồng – Xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Ảnh: Bà Phan Thị Kiếm (áo bà ba đen)