Khai thác titan Bình Thuận: Hoang hóa vùng khai khoáng

(VOH) - Vụ vỡ hồ chứa bùn thải titan tại Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận cách đây gần 2 tháng là vụ vỡ hồ chứa thứ 4 tại Bình Thuận song hình như hiểm họa của hoạt động khai thác titan vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

Nước bùn đỏ chảy tràn vào các hộ dân. Ảnh TTXVN

Theo quyết định phê duyệt của Thủ Tướng Chính Phủ về quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030 thì Bình Thuận thuộc phân vùng 4, với mục tiêu hướng tới xây dựng và phát triển thành trung tâm công nghiệp titan, khai thác chế biến titan với quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, những sản phẩm dự kiến như: xỉ titan, bột zircon siêu mịn, muối zircon, titan xốp…qua khảo sát cho thấy Bình Thuận có gần 600 triệu tấn titan, chiếm 92% trữ lượng cả nước, phân bổ trong tầng cát xám và cát đỏ trên diện tích 800 km2 ven biển.

Trong 67 dự án khai thác khoáng sản ở tỉnh, hiện tại chỉ có 3 dự án được cấp phép khai thác titan, Do đặc điểm phân bố sa khoáng titan tại đây sâu hàng chục mét, có nơi hàng trăm mét, nên các công ty khai khoáng không ngại dùng các công cụ thô sơ để tận thu nguồn sa khoáng quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Trong khi đó, chạy dọc theo ven biển, gần các mỏ đang khai khoáng là các dự án phát triển kinh tế, du lịch sinh thái một điểm mạnh góp phần cho sự phồn vinh của tỉnh dường như bị nghịch lý bởi sự xuất hiện của các công ty khai khoáng này, mà đỉnh điểm là vụ vỡ bờ moong làm tràn nước bùn, cát đỏ của công ty cổ phần phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận, nằm trên địa bàn xã Thuận Quý làm ảnh hưởng đến cuộc sống an sinh của người dân, phá hủy cảnh quan môi trường.

Nếu như trước đây các đồi cát được phủ xanh bởi thảm thực vật và những hàng dương xanh ngát, hệ động vật phong phú… thì bây giờ là những đồi cát trơ trọi loang lổ các hố quặng sâu hun hút, dọc theo bờ biển đi qua các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Nam…đặc biệt là khu vực xã Thuận Quý, những ngày cuối năm 2013 thời tiết vốn đã oi bức, khô cằn, càng trở nên hiu quạnh khi những cơn gió bấc trái mùa mang theo bụi đỏ từ các quặng khai thác titan phủ đầy những con đường quanh thôn. Bà Trịnh Thị Mùi, thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý cho biết, “trước giờ môi trường ở đây vẫn bình thường, nhưng khoảng 3- 4 năm trở lại đây khi các công ty khai thác khoáng sản hoạt động thì cuộc sống của người dân ở xã trở nên xáo trộn, hầu như nhà nào cũng có người bị mắc các chứng bệnh về mắt, đường hô hấp…”. không chỉ riêng bà Mùi, mà những người trong thôn đều xác nhận về tình trạng thay đổi môi trường nơi đây. Một số người dân gần vùng khai khoáng phản ánh:





Nếu như trước đây trạm y tế xã mỗi ngày chỉ đón vài ba người bệnh, thì hiện nay mỗi ngày có đến hàng chục người đến khám, xin phát thuốc mà phần lớn là trẻ e bị suy hô hấp, viêm mắt…đó chỉ là những trường hợp nhẹ, còn nặng hơn thì người dân tự tìm đến bệnh viện trên thành phố. Nói về nguyên nhân bệnh tăng đột biến, Bà Nguyễn Thị Oanh, trưởng trạm y tế xã cho biết:



Ông Trương Văn Chi, kỹ sư mỏ địa chất cho biết, để có được những sản phẩm quặng thô titan, việc đầu tiên là bóc lớp phủ bên trên là các lớp mùn, rễ cây thực vật, sau đó hút vùng cát có chứa titan lên tuyển thô bằng nước để cho ra sản phẩm, phần thải chính là cát được đưa vào bãi thải trong, tất cả các quy trình này đều sử dụng nước ngọt để làm. Trong khi đó, có doanh nghiệp vì lợi nhuận, dùng nước biển để lọc quặng thô, hơn nữa trong quá trình lọc các bùn dinh dưỡng trên bề mặt đã bị rửa trôi, về lâu dài vùng khai thác sẽ bị nhiễm mặn không thể trồng trọt. Ông Trương Văn Chi bày tỏ:




Sự tắc trách, thiếu ý thức của doanh nghiệp đã biến những đồi cát xanh thành vùng đất chết không cây, không con sinh sống. Mặc dù được phép khai thác, nhưng do chạy theo lợi nhuận các doanh nghiệp này lại khoán cho các tổ, các xí nghiệp khai thác ăn chia theo sản phẩm, chi phí bảo vệ môi trường thường bị lãng quên, trách nhiệm môi trường còn mang tính chất đối phó và hậu quả là môi trường bị hủy diệt bởi chính bàn tay người khai khoáng. Ông Lê Văn Tiến, chi cục trưởng chi cục bảo vệ môi trường Bình Thuận cảnh báo:



Hiện nay lãnh đạo tỉnh ra quyết định nghiêm cấm việc sử dụng nguồn nước mặn, nước ngầm để phục vụ khai thác quặng, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư hệ thống dẫn nước ngọt từ sông, hồ và ứng dụng kỹ thuật khai thác hiện đại hơn, phải hoàn thổ và trồng cây phủ xanh nơi đã khai thác. Song, dường như quyết định này sẽ rơi vào quên lãng, do lực lượng chức năng ở địa phương rất “mỏng” không thể kiểm soát cả một vùng đồi rộng lớn.


Trong báo cáo của Tỉnh cũng ghi nhận, khu vực khai thác titan phần lớn tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, tổn thương sinh vật, ô nhiễm môi trường đất nước và không khí..gây mất ổn định cuộc sống người dân gần mỏ, nhất là khu vực thiện ái, Bắc Bình, mỏ suối nhum xã Thuận Quý, xã Tân Thành…sâu xa hơn là sự biến mất của một vùng đồi vốn làm nơi chắn gió che chở hoa màu cho người dân trong vùng trong nhiều thập kỉ qua. Trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), các doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về môi trường cho địa phương, đảm bảo kĩ thuật trong quá trình khai thác. Nhưng trên thực tế khó mà kiểm soát được việc thực hiện của các doanh nghiệp này, điển hình như vụ tràn nước bùn, cát đỏ tại xã Thuận Quý làm thiệt hại hoa màu, nuôi trồng thủy hải sản và cảnh quan du lịch…qua đó cho thấy, cần phải xem lại báo cáo đánh giá tác động môi trường để kiểm soát doanh nghiệp khai thác quặng một cách tốt nhất. Ông Trần Hữu Minh Tùng - Trưởng phòng quản lý tài nguyên khoáng sản, Bình Thuận cho rằng:




Xét về mặt kinh tế, thì việc khai khoáng quặng sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương. Nhưng trên thực tế không phải vậy, nghĩa vụ đóng góp ngân sách cho tỉnh đang bị các doanh nghiệp phớt lờ, có doanh nghiệp vẫn còn nợ phí môi trường, có doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hay khai thác cầm chừng do giá thành của quặng thô thấp, đó là hệ quả của việc sử dụng công nghệ lạc hậu, sản phẩm cuối cùng vẫn là sản phẩm thô, chưa qua tinh chế. Trong khi đó, bài toán về môi trường không được tính kỹ thì chi phí để tái tạo môi trường còn cao hơn nhiều lần so với lợi nhuận mà các công ty khai khoáng đem lại. Ông Lê Hùng Việt - Phó giám đốc Sở tài nguyên môi trường Bình Thuận nêu ý kiến:



Trong tương lai, Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm công nghiệp khai thác titan lớn nhất nước, nếu không quản lý chặt chẽ về công nghệ đầu tư, cách khai thác, đánh giá môi trường sau khi đóng cửa mỏ như hiện nay….thì sẽ để lại những hậu quả khó lường và phải mất hàng trăm năm để tái tạo lại môi trường sinh thái tự nhiên. Lại thêm một bài học đắt giá về sự tàn phá môi trường từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản tùy tiện và cẩu thả.