Khánh thành giai đoạn 1 đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài

(VOH) - Sáng 28-9, UBND TPHCM đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu. Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành Ủy Lê Thanh Hải, chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, lãnh đạo một số bộ ngành, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM cùng đông đảo bà con nhân dân tham dự buổi lễ.


Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài nhìn từ trên cao - Ảnh: Minh Đức- Tuổi Trẻ

Tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi- Vành đai ngoài có tổng chiều dài khoảng 14 km, chỗ rộng nhất là 65 mét với 12 làn xe do Tập đoàn GS E và C làm chủ đầu tư, trong đó đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu vừa được khánh thành có chiều dài gần 5km. Phát biểu tại buổi lễ, ông Oh Jea Hack, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM cho rằng, ngoài ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội của TPHCM, công trình là động lực cho hợp tác phát triển của hai nước trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, công trình thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước. Mong rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Thứ trưởng Bộ giao thông đánh giá rất cao ý nghĩa của tuyến đường và đây là công trình đầu tiên được thực hiện theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT) có sự tham gia của đối tác nước ngoài. Chính vì vậy trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm quản lý chưa có, pháp luật chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, bằng với quyết tâm cùng sự năng động sáng tạo, TP đã cùng với các cơ quan trung ương, chủ đầu tư từng bước tháo gỡ khó khăn để tuyến đường được hoàn thành như hôm nay. Ông Nguyễn Văn Thể nói: "Bộ giao thông vận tải đánh giá rất cao tính năng động sáng tạo của TP trong thời gian vừa qua bằng cách tập trung các nguồn vốn, xác định các công trình trọng điểm, đặc biệt là kêu gọi nhiều vốn xã hội hóa với hình thức BOT, BT. Hy vọng trong thời gian tới TP sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông".

Bà con có mặt buổi lễ không giấu được niềm vui. Nhắc lại những ký ức cách đây hơn 10 năm nhiều bà con xúc động, trước khi tuyến đường hiện đại được thành hình như hôm nay thì đây là khu vực lầy lội, ô nhiễm với những căn nhà lụp xụp, nhếch nhác, cuộc sống hết sức khó khăn trong sinh hoạt cũng như đi lại. Chính vì vậy khi biết nhà nước có chủ trương xây dựng cải tạo bằng một tuyến đường hiện đại bà con rất đồng tình. Ông Thái Hoàng Nhạc, cư ngụ tại quận Gò Vấp, một trong những hộ dân bị di dời thực hiện dự án cho biết: lúc đầu người dân cũng rất lo lắng vì việc di dời giải tỏa ảnh hưởng đến đời sống. Nhưng nhờ chính quyền địa phương đã tận tình đến từng hộ gia đình giải thích, vận động, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng nên cũng yên tâm. Thực tế đến nay nhà nước cũng đã bố trí tái định cư ổn định, lo chỗ học hành cho con em chúng tôi chu đáo. Bây giờ đường đã làm xong người dân cũng được hưởng lợi rất nhiều từ nó. Đại diện cho những người dân sống tại đây, ông Nhạc chia sẻ: "Việc xây mới một con đường không dễ dàng nhưng đến nay con đường đã hình thành, tạo diện mạo mới cho thành phố. Con đường không chỉ giải tỏa áp lực giao thông mà còn tạo điện kiện cho người dân sinh sống hai bên đường có điều kiện phát triển kinh tế dịch vụ, tăng thêm thu nhập".

Cũng giống như ông Nhạc, từ nay người dân 4 quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức sẽ bớt âu lo trong việc sinh hoạt, đi lại làm việc, kinh doanh mua bán. Tuyến đường có vốn đầu tư 340 triệu đô la Mỹ sẽ góp phần tạo nên bộ mặt đô thị thông thoáng, tươi mới cho khu vực phía Đông Bắc TP. Trên đọan này có một hạng mục quan trọng là cầu Bình Lợi ngang qua sông Sài Gòn nối 2 quận Bình Thạnh và Thủ Đức. Khi đưa vào sử dụng cây cầu này sẽ chia bớt 40% lượng xe đi ngang qua cầu Bình Triệu 2 để vào đường Đinh Bộ Lĩnh. Như vậy, cửa ngõ phía Đông Bắc TP sẽ được giải tỏa phần nào nạn kẹt xe như thời gian qua. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đánh giá rất cao sự nỗ lực của các đơn vị cũng như sự hưởng ứng của người dân. Mục tiêu sắp tới là hoàn thành toàn bộ 14 km đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài vào năm 2014. Ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo: "Tôi giao nhiệm vụ cho Sở giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức quản lý khai thác thật tốt đoạn đường được thông xe. Quản lý chặt chẽ về quy hoạch đô thị, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các đoạn còn lại, bảo đảm hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2014".

Tại lễ khánh thành giai đoạn 1, đường TSN Bình lợi -Vành đai ngoài đã chính thức mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng./.