Khi cựu chiến binh làm doanh nhân

(VOH) - Hình ảnh người bộ độ Cụ Hồ trong thời chiến tranh có ý chí quyết tâm cao, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Trở về từ chiến trường, họ lại tiếp tục phát huy phẩm chất ấy qua công việc đảm nhiệm, qua tinh thần xả thân vì cộng đồng. Ít ai nghĩ rằng, người bộ đội ngoài việc có thể giỏi chiến đấu nơi sa trường, mà trên thương trường, họ cũng quả cảm không kém. Không chỉ biết làm kinh tế giỏi để cùng với các doanh nhân khác vực dậy sự phát triển thịnh vượng của đất nước, mà hình ảnh người bộ đội Cụ Hồ còn khiến ta cảm phục, khi kinh doanh thành công, họ luôn đau đáu hướng về những đồng đội cũ, không quên giúp đỡ gia đình liệt sĩ, những thương binh.

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình

Liên hệ gặp ông Trương Đức Hiến - chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế, trực thuộc Hội cựu chiến binh Thủ Đức không dễ dàng. Vì ông di chuyển như con thoi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Ở cái tuổi 63, hưu trí đã lâu, cộng với thương tật trên 10% nhưng người cựu chiến binh vẫn còn đam mê với công việc.

Ông phục vụ quân ngũ từ năm 1978, tham gia chiến trường Việt Nam - Campuchia ở tỉnh An Giang. Năm 1999, ông giải ngũ và bắt đầu dấn thân vào con đường làm kinh tế, trở thành một doanh nhân. “Vào nghề”, hai vợ chồng ông khởi nghiệp từ sạp rau ở chợ. Thâm nhập thực tế, ông nhận thấy, cần hình thành một mô hình chuyên nghiệp cung cấp thực phẩm sạch đến các trường học, các cơ quan, xí nghiệp. Tự nhận mình thích phiêu lưu, mạo hiểm, nên sau khi bán rau củ quả được 6 năm, ông thành lập công ty TNHH Ngọc Đức, chuyên cung cấp thực phẩm cho 30 trường mẫu giáo ở hai quận Thủ Đức và quận 9. Ông chọn kinh doanh ít địa bàn vì ngại sức mình không thể kham nổi nếu mở rộng quy mô hoạt động. Chính vì thế, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của công ty Ngọc Đức luôn đặt lên hàng đầu. Lúc nào ông cũng đặt hàng dư ra để về sơ chế và loại bỏ những món chưa đạt yêu cầu. Nguồn hàng ngày nào tiêu thụ hết ngày đó, không để tồn trữ trong kho.

Tôi chọn ký kết hợp đồng với các đối tác lớn. Với rau củ quả, tôi đặt hàng các công ty trên Đà Lạt, thịt cá tôi hợp đồng với công ty Vissan. Những mặt hàng đều đáp ứng các tiêu chí của Ban an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố. Vì thế, kinh doanh đến hiện nay chưa có một đối tác nào phàn nàn”, ông Hiến chia sẻ.

Ông Trương Đức Hiến (áo kem) tham gia tặng quà cho bộ đội biên phòng tỉnh An Giang.

Ông Trương Đức Hiến (áo kem) tham gia tặng quà cho bộ đội biên phòng tỉnh An Giang.

Khi kinh doanh có hiệu quả, thu nhập ổn định, ông Trương Đức Hiến không quên những đồng đội cũ còn đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Ông bàn bạc cùng các đồng đội, thành lập Ban liên lạc truyền thống bộ đội biên phòng phía Nam vào năm 1991. Hoạt động đến nay, Ban đã quyên góp cho con em cựu chiến binh biên phòng hơn 1.400 suất quà, trị giá mỗi suất 2 triệu đồng; sửa chữa, tặng nhà tình thương, tình nghĩa hơn 100 căn; vận động tặng mạnh thường quân cùng các y bác sĩ tặng thuốc men, khám chữa bệnh miễn phí hơn 6.000 suất.

Tại quận Thủ Đức, ông đảm nhiệm chức chủ nhiệm CLB Cựu chiến binh làm kinh tế, nơi quy tụ những CCB làm kinh tế quy mô nhỏ như chủ trọ, buôn bán nhỏ, tạp hóa,…tiêu thụ sản phẩm cho nhau. Những người cùng hội, sẽ mua được giá sản phẩm rẻ mà chất lượng vẫn uy tín, đồng thời hỗ trợ nhau giới thiệu sản phẩm ra ngoài địa bàn khác.

Vốn đam mê mạo hiểm, nên người CCB này còn dấn thân vào con đường làm báo. Hiện tại, ông làm cộng tác viên cho Tổ truyền hình của báo Pháp luật Việt Nam. Ông xông xáo đi công tác khắp nơi, thời gian ở bên ngoài nhiều hơn ở nhà. Địa bàn hoạt động trải rộng từ Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên. Lĩnh vực báo chí ông chọn lựa cũng “khác người” nhưng lại đúng phẩm chất của người bộ đội Cụ Hồ, đó là giải quyến đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân bằng các phóng sự điều tra truyền hình. Ông quan điểm về công việc này: Mình cũng có tinh thần trách nhiệm xây dựng quê hương phát triển. Nhiều lúc luật mình chồng chéo, rồi sau luật thì có 'lệ' từng vùng. Cho nên, mình giúp dân tháo gỡ khó khăn, giúp chính quyền địa phương. Quan điểm của mình làm phóng viên là góp ý xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, chứ không phải làm chỉ để phê phán”.

Cùng tham gia quân ngũ năm 1978 như ông Trương Đức Hiến nhưng ông Lê Duy Hảo tham gia chiến trường phía Bắc. Cuộc đời của người CCB - người doanh nhân này thăng trầm như đồ thị hình sin. Nếu không có những phẩm chất được tôi luyện từ môi trường quân ngũ, ông sẽ không thể thành công với thương hiệu gốm sứ thạch anh NaSon như hiện tại.

Sau khi hoàn thành quân ngũ được 03 tháng, cuộc chiến biên giới nổ ra, ông Lê Duy Hảo được đều ra mặt trận Vị Xuyên- Hà Giang chiến đấu vào năm 1984. Nhớ lại năm xưa, người CCB không thể nào quên những tiếng pháo của địch nổ thẳng từ bên kia biên giới vào lực lượng quân đội ta khi mọi người đang quây quần bên bữa cơm. Tình thế bị động này khiến cho nhiều chiến sĩ hy sinh và thương tật. Kí ức đau thương ấy mãi mãi in sâu trong lòng ông.

Chiến tranh kết thúc, thay vì tiếp tục công tác trong quân ngũ, ông chọn ở lại Vị Xuyên, lập gia đình và khởi nghiệp kinh doanh với công ty TNHH sông Lô năm 1992, chuyên khai thác mỏ quặng. Công việc làm ăn thuận lợi, công ty sông Lô và cá nhân ông Lê Duy Hảo từng được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Ông còn đoạt Giải thưởng Sao Vàng đất Việt và Doanh nhân Sao Đỏ.

Gác chuyện kinh doanh lại, trong lòng ông còn ấp ủ hoài bão xây dựng công viên nước Hà Phương ở Hà Giang để trả ơn đồng bào đã cưu mang mình trong chiến tranh. Công viên nước là nơi dạy bơi cho các trẻ em để các em không bị đuối nước. Tuy nhiên, khu giải trí này không thể đi vào hoạt động do nhiều nguyên nhân. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào không thu được lại gì, doanh nhân Lê Duy Hảo phá sản và trở về quê Phú Thọ, bắt đầu lại đời mình ở vạch số 0.

Trong một lần thử dấn thân vào làm gốm, ông tình cờ phát hiện ra, tại sao mình không làm gốm sứ bằng thạch anh, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, thay vì nguyên liệu gốm thông thường. Ý tưởng là vậy nhưng để ra một sản phẩm gốm thạch anh hoàn thiện, ông mất 10 năm trời. Từ việc thuê chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn, đến những lần tự mình làm thử, thất bại này nối tiếp thất bại khác. Phẩm chất người lính trong ông vẫn cứ mạnh mẽ, không cho ông bỏ cuộc. Nhờ vậy, thương hiệu gốm sứ NaSon dần được biết đến trong nước và trên thế giới.

Ông Lê Duy Hảo kể về những lần thất bại: “Vào lúc đầu chúng tôi làm, lắm lúc đẹp đẽ, để lên giá hàng rồi nhưng mà đang làm rất bình thường thì nó nổ như quả bom làm giật mình. Mất nhiều năm, chúng tôi nghĩ ra cách làm phải đạt 3 yếu tố cơ bản: nguyên liệu, công nghệ và quy trình. Quy trình sản xuất ra đòi hỏi phải công nghệ và khoa học”.

Tỷ lệ đá thạch anh trong sản phẩm gốm sứ Nason chiếm trên 82% và hầu hết được bọc vàng nguyên chất được nhập khẩu từ châu Âu. Sản phẩm được luyện trong môi trường nhiệt độ cao, trên 1.300­­ độ C để tẩy bỏ các độc tố gây hại như chì, cadmicium, đồng thời có độ bền cao. Với những điều độc đáo đó, ở trong nước lẫn thế giới chưa ai làm được nên doanh nhân Lê Duy Hảo được Tổ chức kỷ lục Việt Nam và Liên minh Kỷ lục Thế giới vinh danh vào năm 2018.

cựu chiến binh làm doanh nhân

Ông Lê Duy Hảo (vest xám tro) và khách mời bên những sản phẩm gốm sứ NaSon.

Sau những cú ngã đau đớn trong nghiệp kinh doanh, để rồi thành công trở lại, người doanh nhân- cựu chiến binh Lê Duy Hảo vẫn luôn có những hoạt động tri ơn vùng đất Vị Xuyên - Hà Giang. Ông cùng những cựu chiến binh khác, âm thầm quyên góp tiền bạc cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn; tặng xe cứu thương cho bệnh viện để cấp cứu người bệnh kịp thời; tặng máy xúc cho địa phương để giải tỏa những trận sụt lở đất, đá; giúp đỡ về kinh tế cho đồng bào miền núi.

Tình đồng chí, đồng đội

Thế đó, những phẩm chất bộ đội cụ Hồ trong chiến tranh, trong thời bình vẫn đang được các cựu chiến binh phát huy, khiến họ luôn hướng đến những suy nghĩ tích cực, xây dựng đất nước giàu mạnh, khiến họ hành động nghĩa tình vì tình thương với đồng đội, với đồng bào. “Trước hết, phải nói về tình thương đồng đội, đồng chí. Thứ hai là nói đến tinh thần trách nhiệm của anh bộ đội Cụ Hồ được rèn luyện trong môi trường quân đội. Mình phải giữ được bản chất nên mình mới cung cấp thực phẩm đúng nguồn, đúng chất lượng, giá thành rẻ hơn thị trường. Cái quan điểm của mình đầu tiên là phục vụ, lợi nhuận là thứ 2 thôi. Mình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái trong cuộc sống”, ông Trương Đức Hiến bày tỏ.

Còn ông Lê Duy Hảo mong sao cải cách hành chính, cải cách tư pháp ngày càng hoàn thiện để những CCB có thể phát huy nhiều hơn việc thiện nghĩa: “Trong những cái sống, cái chết thì người ta mới hiểu được tình đồng đội. Thấy mình còn sống là một sự may mắn. Vì vậy cần làm gì tốt hơn cho những người đã khuất, cho những thương bệnh binh. Mong muốn nhiều cải cách hành chính, cải cách tư pháp ngày càng minh bạch để cho những tổ chức chân chính, những CCB như chúng tôi muốn làm những điều thiện nghĩa với nhau, phát huy được nhiều hơn”.

Bác Hồ từng khen tặng các chiến sĩ: Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nhớ lời dặn của Người, trong thời bình, dù đã giải ngũ, trở về với đời thường hay trở thành những doanh nhân thành đạt, những người lính  năm nào vẫn đã, đang mang phẩm chất “ bộ đội Cụ Hồ”, góp phần lan tỏa những giá trị cao quý ấy trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Bích Ngọc