Khi vùng đất kháng chiến Nam bộ năm xưa chuyển mình

(VOH) - Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình và phát triển đã chứng minh rằng, với người dân Tân Nhựt, cho dù ở vào hoàn cảnh nào đều vững niềm tin vào Đảng, vào chính quyền cách mạng.

Những con đường nhựa khang trang tại Xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh (ảnh: baotintuc)

Xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh năm xưa là căn cứ địa của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, bị quân thù ra sức càn quét và giày xéo. Nơi này còn được xem như là "túi bom" của kẻ thù nhằm biến thành vùng đất chết. Ngày nay, Tân Nhựt đã chuyển mình mạnh mẽ, không ngừng thay da đổi thịt, mang một diện mạo tươi mới, khởi sắc hơn. Nhờ tinh thần và ý chí phấn đấu của Đảng bộ – Chính quyền cùng người dân Tân Nhựt vẫn tiếp tục được phát huy trong thời kỳ đổi mới. 

Vốn là mảnh đất anh hùng, Tân Nhựt gánh chịu bom đạn khốc liệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chính vì vậy, sau ngày hòa bình, nhiều năm liền, Tân Nhựt vẫn là một trong những xã nghèo của huyện Bình Chánh bởi hạ tầng giao thông kém, trình độ văn hóa của người dân còn thấp, đời sống bấp bênh.

Nhờ chính sách vùng quê nghèo ''cất cánh''

Từ năm 1996, TPHCM đầu tư vốn xây dựng đập ngăn mặn và giữ nước ngọt cùng hệ thống cống thủy lợi nội đồng. Nhờ vậy, vùng đất Tân Nhựt hình thành lượng đất màu mỡ ven các con sông, kênh rạch được chuyển sang trồng dừa gáo, rau xanh, cây ăn trái ngắn ngày thay vì trồng lúa; những nơi diện tích trồng lúa năng suất kém được chuyển qua đào ao nuôi cá giống.

Xã cũng mở nhiều lớp khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn người dân cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đến nay, xã đã không còn hộ nghèo thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

“Qua các lớp học IBM trên rau hoặc chương trình VietGap để áp dụng toàn bộ kiến thức đã học về cho vườn của mình. Những áp dụng đó đạt hiệu quả rất cao, vừa đỡ tốn chi phí sản xuất, không bị ô nhiễm môi trường, vừa không bị ảnh hưởng đến sức khỏe vì các loại thuốc bảo vệ thực vật”, ông Trần Văn Nghĩa – một nông dân trồng rau ở Tân Nhựt, chia sẻ.

Điểm nhấn trong sự “thay da đổi thịt” của Tân Nhựt thời gian qua chính là Chương trình xây dựng nông thôn mới. Những cây cầu tre lắc lẻo trước đây giờ hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những cầu bê tông; 100% đường trục xã, liên xã đều được nhựa hóa hay bê tông hóa.

Bên cạnh các nguồn lực đầu tư đa dạng, hơn 860 hộ dân Tân Nhựt hiến gần 89.000 m2 đất làm đường, trị giá trên 73 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Sơn, ngụ ở ấp 3 bộc bạch: "Tôi là một người dân Tân Nhựt anh hùng, cùng với địa phương để xây dựng Nông thôn mới, tôi và gia đình cũng vận động hiến phần đất để xây tuyến đường Lương Ngang thuộc ấp 3 xã Tân Nhựt. Phần đất mà gia đình tôi hiến là khoảng 2.000 m2”.

“Mình hiến đất làm đường, nhà nước và nhân dân cùng làm thì cùng có lợi. Vì khi xe lớn vô tới nhà, việc buôn bán hàng hóa của tôi được thuận lợi”, bà Trần Thị Mè cho biết.

Xã Tân Nhựt hiện đã có Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, hệ thống trường học cũng được xây mới và 100% con em đều vận động đến trường. Thu nhập bình quân đầu người từ 15 triệu đồng/người/năm trước đây đã nâng lên hơn mức 42 triệu đồng, tính đến tháng 09/2015. Các vấn đề như văn hóa xã hội, nước sạch, an ninh trật tự đều được đảm bảo. “19 tiêu chí hoàn thành. Về đường xá, trường trạm… thì bà con rất phấn khởi. Còn một số hộ nghèo, Tết đến thì bên Đảng ủy, Ủy ban, Mặt trận cũng có chuẩn bị để lo những hộ nghèo một phần quà ăn Tết”, ông Lê Văn Hai – một người dân sống lâu năm ở Tân Nhựt, nói. 

Theo UBND xã Tân Nhựt, phong trào thi đua làm giàu và xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều tấm gương tốt. Đó là những người không chỉ biết làm kinh tế giỏi mà còn luôn đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường, đóng góp xây cầu. Bà con luôn ý thức được việc sống và lao động hết khả năng của mình để xây dựng mảnh đất chiến khu Láng Le - Bàu Cò anh hùng, xứng đáng với các thế hệ cha anh.

Ông Nguyễn Thế Hùng – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Nhựt, nay trở thành một nông dân sản xuất giỏi cấp Thành phố cho biết: “Tôi học tập mô hình VAC, ra sức xây dựng để mô hình này, làm kinh tế mỗi ngày mỗi phát triển. Như trước đây tôi làm lúa, nhưng bây giờ tôi chuyển đổi nuôi cá, chăn nuôi heo, trồng cây ăn trái. Từ đó mô hình nông nghiệp của tôi tương đối ổn định, bà con cũng đang học tập mô hình này để phát triển, đời sống đi lên”.

Phát huy truyền thống chăm lo cho dân

Dạo quanh một vòng xã Tân Nhựt có thể nhận thấy người dân Tân Nhựt bây giờ khá giả nhiều. Một số ít vẫn còn khó khăn do thiếu điều kiện, nhưng đói thì không còn, thu nhập cũng từng bước nâng lên. Rõ ràng, từ khi có nông thôn mới, Tân Nhựt đã có được điểm tựa cần thiết, tạo ra một chủ trương hợp lòng dân và đem đến những kết quả mà bà con cảm thấy rất phấn khởi. 

Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình và phát triển đã chứng minh rằng, với người dân Tân Nhựt, cho dù ở vào hoàn cảnh nào đều vững niềm tin vào Đảng, vào chính quyền cách mạng. Ông Trần Thanh Huy – Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt khẳng định, Đảng bộ – Chính quyền địa phương vẫn tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo điều kiện an sinh xã hội tốt nhất cho bà con.

“Xã sẽ chú trọng đến việc xóa bỏ các hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố là 16 triệu đồng/người/năm; Đồng thời sẽ triển khai cung cấp nước sạch đến cho từng hộ dân. Còn riêng hệ thống thủy lợi phải đảm bảo việc khai thông để hỗ trợ cho người dân trong việc nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất tại địa phương, đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội hàng năm của xã”, ông Huy cho biết thêm.

Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, trình độ năng lực của cán bộ xã đến ấp được nâng lên một bước. Vai trò hạt nhân Đảng lãnh đạo, đảng viên gương mẫu tiên phong, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị và địa phương với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới được nâng lên rõ rệt. Hy vọng dựa trên nền tảng này, Đảng bộ – Chính quyền xã Tân Nhựt tiếp tục huy động sức dân, cùng nhân dân ra sức xây dựng vùng đất anh hùng không ngừng phát triển, qua đó đem lại cuộc sống ngày càng ấm no cho nhân dân.