Khó thu hồi tài sản tham nhũng

(VOH) - Từ năm 2006 - 2015, Công an TPHCM thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng với 463 bị can, tổng giá trị tài sản thiệt hại hơn 600 tỷ đồng và 136.000 USD, thu hồi trên 40 tỷ đồng.

Xét xử đại án tham nhũng gây thất thoát nặng tại Agribank CN 6 (Ảnh: baogiaothong)

Đặc biệt, 59% số vụ và số bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản. Các hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn xảy ra ở một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính…

Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do UBND TPHCM tổ chức sáng 24/12.

Khó thu hồi tài sản tham nhũng

Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng được chỉ ra là quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn lỏng lẻo, hệ thống pháp luật bất cập, chồng chéo, việc bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa chú trọng đúng mức nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, thái độ phục vụ song song với đào tạo năng lực chuyên môn.

Bên cạnh đó, người dân và tổ chức, doanh nghiệp chưa thật sự đấu tranh quyết liệt trước hiện tượng “phong bì” để mưu cầu, trục lợi bất chính cho bản thân, đơn vị.

Một thực tế là thu hồi tài sản tham nhũng gặp khá nhiều bất cập. Năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 10%, năm 2014 là 22%.

Tòa án nhân dân thành phố xét xử nhiều vụ án tham nhũng, số tiền tuyên tịch thu lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng việc thu hồi gặp nhiều khó khăn do các bị cáo chuyển giao tài sản cho người khác.

Bên cạnh đó, một số vụ việc không thể xử lý tội tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội phạm khác, nên không thể thu hồi được tài sản tham nhũng.

Có chuyển biến trong phòng - chống - xử lý tham nhũng

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, tham nhũng ngày càng tinh vi, được "che chắn" dưới hình thức lợi ích nhóm hoặc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Nhiều vụ tham nhũng cho thấy có việc tạo ra cơ chế chính sách làm lợi một số người có chức vụ, quyền hạn. 

Việc thông tin, tuyên truyền kết quả phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ, toàn diện nên xã hội chưa thấy hết ý nghĩa, kết quả tích cực của phòng chống tham nhũng.

Theo ông Phong, thời gian qua, phòng chống tham nhũng tại TP chuyển biến tích cực. Việc công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí của cán bộ, công chức, viên chức đã phát huy tác dụng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và kiềm chế tham nhũng trên một số lĩnh vực quản lý Nhà nước.       

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc triển khai Luật phòng chống tham nhũng ở TPHCM trong 10 năm qua bằng cơ chế chính sách, công khai minh bạch trong phòng, chống tham nhũng, kiểm soát tài sản công có hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao công tác cải cách hành chính ở thành phố để giảm tham nhũng. Thành phố cũng đi đầu trong phát triển hệ thống giáo dục, y tế để chống tham nhũng vặt. Lãnh đạo thành phố cũng tăng cường chỉ đạo phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn về tham nhũng được dư luận đồng tình, góp phần răn đe, giáo dục, ngăn chặn các hành vi tham nhũng và củng cố niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, phòng chống tham nhũng ở TPHCM chưa đạt yêu cầu là tham nhũng vẫn còn và biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Ở nhiều lĩnh vực, khả năng tự phát hiện còn yếu, thiếu phối kết hợp, thiếu dựa vào dân trong phòng, chống tham nhũng, bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, tiêu cực, vụ lợi - Phó thủ tướng nhận định.