Khoa học sáng tạo sẽ giúp TPHCM không ngừng đổi mới

(VOH) - Các chuyên gia cũng cho rằng, việc chọn khu Đông đang phát triển mạnh mẽ sẽ là lựa chọn tiềm năng.

Tại hội thảo “Khu đô thị sáng tạo tại TP.HCM: Thảo luận một lộ trình chiến lược” diễn ra ngày 12/4, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, ý tưởng xây dựng đô thị sáng tạo được Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân khởi xướng từ cuối năm 2017 dựa trên đặc thù và nguồn lực sẵn có của thành phố là Khu đô thị mới Thủ Thiêm giữ vai trò trung tâm tài chính, kinh tế tầm cỡ quốc tế, Khu công nghệ cao và Đại học Quốc gia với nguồn lực dồi dào về đất đai, nhân lực.

Khu đô thị mới

Toàn cảnh hội thảo

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, hội thảo đúc kết các kinh nghiệm các đô thị trên thế giới về xây dựng đô thị sáng tạo; nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế, xã hội khu Đông, đặc biệt là đô thị Đại học Quốc gia TP. Qua đó, nghiên cứu lộ trình, cơ chế, phương thức huy động các nguồn lực để hình thành ý tưởng và triển khai mô hình đô thị sáng tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM

 “Chúng tôi cũng mong muốn khu Đông này trong tương lai sẽ trở thành một khu đô thị khoa học thực sự, một đô thị thông minh. Nó sẽ là mẫu hình, thí điểm cho một thành phố khoa học, thành phố thông minh mà hiện nay, TP.HCM chúng ta cũng đang hướng đến.

Các nhà khoa học của chúng ta rất mong muốn Đại học Quốc gia TP.HCM có những kết nối trong hoạt động và kết nối thực địa” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc chọn khu Đông đang phát triển mạnh mẽ sẽ là lựa chọn tiềm năng. Tuy nhiên, bên cạnh việc hình thành khu đô thị sáng tạo mới, thành phố cần có giải pháp đối với các khu đô thị hiện hữu, thúc đẩy trở thành nơi đáng sống và làm việc hiệu quả; tổ chức các tuyến giao thông thông suốt, trong đó ưu tiên cho việc đi bộ, xe buýt miễn phí, không cho ôtô, xe máy vào khu đô thị sáng tạo.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, CPG Consultants Urban Planning Singapore

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, CPG Consultants Urban Planning Singapore

“Dự án đô thị khoa học công nghệ Đông Bắc TP được thông báo giao do Đại học Quốc gia chủ trì kết hợp với Ban quản lý khu công nghệ cao để quy hoạch đô thị Đông Bắc TP. Thông báo này cũng đưa vào quyết định 24 của Thủ tướng là quy hoạch TPHCM đến năm 2030 có khu đô thị khoa học giống như một khu ở Nhật Bản ở bắc TP thì hạt nhân là Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao”- ông Dương Minh Tâm – Phó Trưởng ban Khu công nghệ cao TP cho biết thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, việc xây dựng đô thị sáng tạo liên kết quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức mang tính đặc thù của thành phố gắn với phát triển thị trường, thực hiện cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54. TP mong muốn có được lực lượng chuyên gia đến hiến kế, xây dựng đề án, tư vấn cho thành phố phát triển theo hướng giá trị cao, hàm lượng cao, phát triển đô thị thông minh.

Thành phố khoa học sáng tạo cũng sẽ giúp TPHCM không ngừng đổi mới, tạo điều kiện để các chuyên gia và doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò “xương sống” của nền kinh tế thành phố:

 “2018 này, TP xác định có 4 trụ cột mà TP triển khai thực hiện, đó là phải hình thành được kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung của TP. Thứ hai, xây dựng trung tâm điều hành để giúp TP kiểm soát, quán xuyến được hết tình hình của TP. Thứ ba, xây dựng trung tâm mô phỏng chiến lược giúp TP xây dựng và dự đoán được những vấn đề phát triển TP trong năm tới trên cơ sở dữ liệu do phần mềm cung cấp. Thứ tư là xây dựng trung tâm dữ liệu an toàn thông tin”- Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay.

Sự hài lòng của người dân được coi là thước đo của một nền quản trị hiệu quả và là tiêu chí quan trọng của một đô thị sáng tạo, thông minh mang lại giá trị tối đa cho nền kinh tế. Cùng với đó, hàng loạt vấn đề xã hội sẽ được giải quyết; chi phí xã hội cung ứng dịch vụ công được cắt giảm tối đa; năng suất cung cấp dịch vụ được đảm bảo; chất lượng của hệ thống cung ứng dịch vụ hành chính công mà trong đó, bao gồm cả trình độ, tư cách đạo đức phục vụ, thái độ tôn trọng dân của cán bộ, công chức được cải thiện…

Tất cả điều đó tạo động lực cho cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu suất cao nhất cho nền kinh tế.