Không đáp ứng, chậm tiến độ, mời nhà đầu tư khác!

(VOH) - Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng toàn ngành y tế thành phố vào chiều qua 6/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã lưu ý vấn đề chống quá tải bệnh viện.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, PCT UBNDTP Nguyễn Thị Thu đến thăm bệnh nhi tại bệnh viện quận Bình Tân. Ảnh: Nhất Hương

Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ngành y tế đang thực hiện nhiều giải pháp như bác sĩ gia đình, mô hình bệnh viện vệ tinh, đề án luân phiên cán bộ y tế tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới 1816.

Tuy nhiên, để giảm tải căn cơ thì các bệnh viện đang triển khai xây dựng cần quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hơn, sớm đưa công trình vào sử dụng. Nếu năng lực nhà đầu tư kém, chậm tiến độ, phải thay nhà đầu tư khác: "Tôi đề nghị việc chống quá tải các đơn vị đang xây dựng nên triển khai nhanh hơn, mạnh hơn, quyết tâm hơn để đưa bệnh viện vào hoạt động. Hiện có bệnh viện Nhi đồng TP, tôi đề nghị tháng 9 năm nay đưa vào phục vụ bệnh nhân, sớm hơn 3 tháng. Còn bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP, quyết định ngay phương án đất, tôi đề nghị quyết sớm, còn nếu nhà đầu tư không có tiền, năng lực kém thì thay nhà đầu tư khác".

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho biết, qua thu thập ý kiến của người dân, cho thấy có 6 vấn đề nổi cộm mà người dân thành phố còn ưu tư, trăn trở với ngành y tế: "thứ nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm phải được kiểm soát; thứ hai là khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ em; Ba là đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, không phải chờ đợi lâu, có giường nằm, chất lượng điều trị được đảm bảo; thứ tư là đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế, không phân biệt đối xử người tham gia bảo hiểm y tế; thứ năm là chất lượng khám chữa bệnh ngoài công lập phải được kiểm soát tốt hơn và thứ sáu là có thêm bệnh viện mới, thêm kỹ thuật mới để người dân không ra nước ngoài".

Về phía đơn vị quản lý ngành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị thành phố nên quan tâm đầu tư công để ngành y tế phục vụ người bệnh tốt hơn: "Chúng tôi tha thiết đề nghị đồng chí Bí thư, Chủ tịch quan tâm hơn nữa đến đầu tư công, đương nhiên xã hội hóa. Với công trình đường sá, khu thương mại thì BOT, BT sẽ rất nhanh nhưng y tế là công trình lãi suất chậm, khó khăn về nhân lực, khó khăn về kỹ thuật mà chờ vào đầu tư  BOT, BT là khuyến khích nhưng vẫn phải chủ động đầu tư cho khối công lập này".

Để TPHCM phấn đấu trở thành đô thị có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì ngành y tế cũng phải phấn đấu hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội của người dân.

Ngoài giảm tải, Bí thư Thành Ủy Đinh La Thăng chỉ đạo một số vấn đề ngành y tế thành phố cần ráo riết thực hiện. Đồng thời, ông đề nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, rà soát lại toàn bộ chiến lược quy hoạch phát triển ngành giai đoạn 2015 2020 cả về đầu tư hạ tầng, cải cách hành chính, công nghiệp dược, từ đó có định hướng phát triển phù hợp, phối hợp góp phần xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố, huy động xã hội hóa trong ngành y tế giúp người bệnh được chăm sóc tốt hơn.

Ông cũng thẳng thắn đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế còn chậm, giá dịch vụ cần hợp lý hơn, bệnh viện công hay bệnh viện tư đều phải đảm bảo công bằng để kích thích tư nhân đầu tư vào y tế.

Về đấu thầu thuốc, nhằm tạo điều kiện cung ứng thuốc thuận lợi nhất cho người dân, Bí thư Thành Ủy Đinh La Thăng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP phân cấp cho Sở Y tế, Sở phân cấp cho bệnh viện, bệnh viện tự chủ toàn quyền về đấu thầu, kể cả phân cấp về tài chính, cán bộ. Đấu thầu thuốc, trừ một số loại đấu thầu tập trung còn lại các bệnh viện có thể tự đấu thầu, không nhất thiết phải bó buộc trong danh mục thầu của Sở.

Riêng vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Đinh La Thăng quy trách nhiệm cho Sở Y tế: "hiện nay có tới 3 Sở quản lý nhưng nếu để người dân ăn thực phẩm không đảm bảo thì Sở Y tế phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Còn nếu chưa có quy định thì thành phố làm thí điểm, sẽ giao Sở Y tế quyền, theo sau là chịu trách nhiệm. Luật chưa phù hợp thì sửa, hoặc đề nghị thành phố cho thí điểm".