"Không quốc gia nào ủng hộ hành động của Trung Quốc"

(VOH) - Sáng nay 26/7, tại hội trường Dinh Thống Nhất, TP.HCM đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”. Hội thảo do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức, có sự tham dự của 30 học giả là những chuyên gia hàng đầu về luật quốc tế nói chung và luật biển nói riêng đến từ các nước: Mỹ, Nga, Italia, Thụy Sỹ, Hunggary, Bungary, Ba Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Philipines, Nhật Bản, Singapore và 20 học giả đến từ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Quốc Anh – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết: Hội thảo là dịp thuận lợi để các học giả bày tỏ chính kiến, đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng và Chính Phủ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp.

Trưởng Ban tổ chức Hội thảo, PGS.TS - Nhà giáo ưu tú Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM cũng phát biểu nêu lên ý nghĩa quan trọng của hội thảo:

Giáo sư- Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường Đại học Luật TPHCM trao đổi cùng các đại biểu trong và ngoài nước tại Hội thảo quốc tế về khía cạnh pháp lý của việc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương -981 (Ảnh: SGGP)

Tại hội thảo, tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng đến từ Đại học Luật Hà Nội với nhan đề “Hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam” đã nhấn mạnh: Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật quốc tế. Sự hiện diện này của Trung Quốc ở Hoàng Sa không làm phát sinh danh nghĩa chủ quyền đối với Trung Quốc. Do vậy, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo Tri Tôn là hoàn toàn trái Công ước 1982, vì đảo Tri Tôn không có quy chế của đảo theo Điều 121 của Công ước để được hưởng các vùng biển theo quy định, mà chỉ có một vùng biển tối đa là 12 hải lý.

Tham luận của Giáo sư Baladas Ghoshal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, Đại học Jawaharlal Nehru, Ấn Độ đã khẳng định: Không quốc gia nào ủng hộ hành động của Trung Quốc và tất cả đều mong muốn Việt Nam - Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Ông nhận định thêm: “Việc Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có thể là một biểu hiện của sự thận trọng để ngăn chặn Mỹ và các cường quốc khác hợp sức lại”. Theo ông, ASEAN đang ngày một đoàn kết hơn và mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với Trung Quốc.

Ngoài ra, các học giả đến từ các nước đã có những bình luận sâu về các giải pháp chính trị, ngoại giao để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật quốc tế. Về phương diện khoa học, các ý kiến và giải pháp được các học giả nêu và được phân tích tại hội thảo sáng nay có ý nghĩa chính trị, pháp lý rất quan trọng trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng.

Đặc biệt, các học giả đã thống nhất nhận định rằng, các biện pháp chính trị ngoại giao là giải pháp đặc biệt quan trọng được quy định trong luật quốc tế, cụ thể là Điều 33 khoản 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc - một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong luật quốc tế. Chính vì vậy, phần lớn các tranh chấp quốc tế từ trước đến nay, trong đó có tranh chấp về lãnh thổ đã được các quốc gia sử dụng biện pháp chính trị ngoại giao để giải quyết.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo sáng nay, đã diễn ra triển lãm bản đồ và các tài liệu liên quan cho thấy chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.