Kinh tế Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 đạt nhiều kết quả tích cực

(VOH) - Sáng 6/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV,

Dự kiến các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày.

Do Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp áp chót Quốc hội khóa 14, nên Quốc hội không tiến hành lựa chọn nhóm vấn đề và tập trung chất vấn các thành viên Chính phủ như thường lệ, thay vào đó là chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ.

Quốc hội đã nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá lại tất cả những nội dung của nhiệm kỳ và đề ra một số nhiệm vụ quan trọng cho thời gian tới: “Tôi đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần chủ động, sâu sát tập trung phân tích làm rõ những vấn đề còn tồn tại. Đề ra các giải pháp để thực hiện và chuyển giao cho Quốc hội khóa sau giám sát”.

Mở đầu phiên làm việc sáng 6/11, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ. Sau 4 năm đầu thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch, đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 tác động nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội trong nước, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, giai đoạn 5 năm 2016-2020 cơ bản đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều mặt của kinh tế - xã hội. Theo đó có 15/19 chỉ tiêu đạt và vượt, 4 chỉ tiêu không đạt.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đạt được nhiều kết quả thực chất, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện rõ nét. Phát triển đồng bộ các loại thị trường, kinh tế tư nhân từng bước trở lại thành lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Với ngành tòa án, theo Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình thì trong suốt nhiệm kỳ qua, ngành đã hoàn thành theo đúng Nghị quyết của Quốc hội chưa phát hiện vụ án hình sự oan sai, tòa án các cấp cũng đã xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Từ năm 2015 đến tháng 9/2020 ngành tòa án đã nhận được 19 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và đã giải quyết được 15 trường hợp, cùng với đó cũng đã giải quyết 60/76 vụ dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện tại các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường.

Về một số giải pháp trong thời gian tới, Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc, không để xảy ra oan sai. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng, nâng cao trình độ xét xử cho các thẩm phán.”

Cũng trong phiên làm việc sáng 6/11, Quốc hội nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày các Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV. Thời gian qua, ngành kiểm sát đã kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện phạm ngăn chặn. Qua đó, đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án, hủy hơn 3.300 lệnh quyết định ngăn chặn thiếu căn cứ, không đúng quy định pháp luật.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí thông tin thêm một số kết quả của ngành: “Tiến độ, chất lượng giải quyết án của ngành đạt 99% vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Các trường hợp tòa án tuyên bị cáo không có tội giảm dần”.

Cũng trong sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội bắt đầu tiến hành đặt các câu hỏi chất vấn dành cho các thành viên Chính phủ.