Kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa 13 thành công tốt đẹp

(VOH) - Hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 với việc xem xét, thảo luận và ban hành nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã góp phần khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữu vững ổn định chính trị và duy trì tăng trưởng hợp lý, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 dự án luật quan trọng. Các luật này đã được xem xét một cách thận trọng, với tinh thần đổi mới, bảo đảm sát hợp với thực tiễn cuộc sống. Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 6 dự án luật khác, yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức lấy thêm ý kiến các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức hữu quan và nhân dân để tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội.

Đối với Luật đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã dành thời gian thích đáng thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo. Đây là một dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định, phát triển của đất nước, đời sống của nhân dân và có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, sau kỳ họp này, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có trách nhiệm tập trung hoàn thiện dự thảo luật, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp; nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau.

Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong việc chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp này. Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến về các nội dung sửa đổi và ban hành Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quốc hội khẳng định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng của toàn Đảng, toàn dân nhằm bảo đảm cơ sở chính trị - pháp lý cho thời kỳ phát triển mới của đất nước. Quốc hội yêu cầu Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp tổ chức thật tốt việc lấy ý kiến nhân dân để chắt lọc tinh hoa trí tuệ, ý chí của toàn dân, chuẩn bị tích cực để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua văn kiện quan trọng này vào kỳ họp cuối năm 2013.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường luôn là tâm điểm chú ý của công luận. Kỳ họp lần này, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình; Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo, giải trình trực tiếp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, được cử tri cả nước quan tâm và dư luận đánh giá cao….


Quốc hội và cử tri cả nước đang mong chờ những biện pháp của Chính phủ để vực dậy nền kinh tế nước ta - Ảnh: NLĐ

Về phần trả lời chất vấn trước Quốc hội của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đặc biệt là việc Thủ tướng nhận trách nhiệm chính trị, cử tri cả nước (nói chung) và cử tri TPHCM (nói riêng) cho rằng đây là nét mới tại kỳ họp thứ 4 này. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ trình bày việc các bộ trưởng thực hiện những chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và 3, đây cũng là những lời hứa của các Bộ trưởng trước Đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước. Phó Thủ tướng đã nói rõ những việc đã làm được để cho cử tri và nhân dân biết và giám sát. Thông điệp chuyển tải rất rõ ràng.

Một nét mới nữa là trước những điều hành của Chính phủ thời gian qua, còn có những khó khăn, thiếu sót, Thủ tướng đã dũng cảm nhận lỗi trong điều hành của Chính phủ trước Quốc hội, trước nhân dân và cử tri.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ quan trọng nhất của Nhà nước các cấp được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đây là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Cử tri cả nước bày tỏ sự đồng thuận khi Quốc hội thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ họp lần này.

Suốt một tháng qua, cùng với cử tri cả nước, cử tri thành phố đã quan tâm và chú ý theo dõi những nội dung trọng tâm tại kỳ họp thứ 4- Quốc hội khóa 13. Là một người luôn quan tâm và theo dõi kỳ họp, cử tri Võ Tiến Kỷ - phường 5 quận 6 bày tỏ một số điều tâm đắc của mình qua kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 khóa 13: "Qua quá trình theo dõi kỳ họp Quốc hội, tôi tâm đắc vấn đề như sau: về chất lượng rất tốt, thể hiện được công khai dân chủ, trong báo cáo xác nhận trách nhiệm thì Thủ tướng đã xác nhận trách nhiệm xin lỗi trước nhân dân, tôi cho rằng đã thể hiện việc đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo, người chủ chốt và tạo được lòng tin của nhân dân với Đảng và nhà nước".

Về việc thông qua Luật phòng, chống tham nhũng, cử tri Lê Văn Sợi, quận Bình Thạnh thì cho rằng: Hiện nay, tệ nạn tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn và đẩy lùi, do vậy lần này Quốc hội thông qua luật phòng chống tham nhũng là đúng theo mong đợi và kỳ vọng của người dân. Nhận xét về kỳ họp Quốc hội lần này, ông Lê Văn Sợi cho biết:

"Tôi cũng có theo dõi kỳ họp Quốc hội vừa rồi, cũng thấy phấn khởi! Đại biểu Quốc hội làm tốt chức năng đại biểu đại diện cho dân, rất thẳng thắn trước bức xúc nhân dân. Chúng tôi cũng mong chuyện đó thành sự thật trong đời sống chính trị, đời sống hằng ngày của nhân dân, làm sao có sự chuyển biến như làn gió mới để nhân dân hưng phấn".

Có thể nói sau một tháng làm việc, những kết quả đạt được của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13 có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Chính vì vậy, ngay sau kỳ họp này, Chính phủ, các tổ chức thành viên, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội cần tăng cường các hoạt động giám sát một cách thường xuyên hơn, quyết liệt hơn, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các luật và nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội cần sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, thường xuyên liên hệ chặt chẽ, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội; góp phần gắn kết, củng cố hơn nữa mối liên hệ giữa hoạt động của Quốc hội, của các vị đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân cả nước.